Đến với Ngũ Hành Sơn là về nơi cửa Phật, sống trong không gian huyền ảo của tiếng chuông chùa, chốn thanh tịnh nơi chùa chiền, hang động.
‘ Ngũ Hành Sơn - điểm du lịch tâm linh không thể bỏ qua khi đến Đà Nẵng.
Gần 200 năm trước, vua Minh Mạng trong một lần vi hành đến ngọn núi này đã tự mình đặt tên cho núi, hang động, chùa chiền nơi đây. Không ai biết những cái tên như Ngũ Hành Sơn, Huyền Không, Hóa Nghiêm, Lăng Hư, Tàng Chân… đã làm vua phải suy nghĩ mất bao nhiêu thời gian, nhưng có một điều chắc chắn rằng cảnh trí nơi này đã chiếm một phần quan trọng trong niềm tự hào về miền đất xinh đẹp của nhà vua. Để đến hôm nay, Ngũ Hành Sơn vẫn luôn là niềm tự hào của mỗi người Việt Nam nói chung, người Đà Nẵng nói riêng.
‘ Bước qua 156 bậc đá là đến Chùa Tam Thai cổ kính
Năm ngọn núi với sự kỳ bí, dị thường đã tạo nên một Ngũ Hành Sơn “sơn kỳ thủy tú”. Dưới sự xâm thực, xói mòn của nước mưa, khí hậu hàng nghìn năm đã tạo nên hệ thống các hang động với mọi hình thù, sắc thái. Khi những tia nắng mặt trời len lỏi qua các ngách đá đã tạo ra vô số hình hài lấp lánh trên thạch nhũ, đánh thức mọi trí tưởng tượng của con người.
Bước lên 108 bậc đá lên thăm chùa Linh Ứng, vượt qua 156 bậc đến chùa Tam Thai, ngồi trên đài Vọng Giang phóng tầm mắt theo dòng Cẩm Lệ đẹp như tranh vẽ… sẽ là những trải nghiệm vô cùng tuyệt vời khi đến Ngũ Hành Sơn.
‘ Hội Quán Thế Âm được tổ chức tại khu danh thắng Ngũ Hành Sơn với mục đích cầu quốc thái dân an, khơi dậy lòng tư bi của chúng sinh.
Nhưng nếu đến Ngũ Hành Sơn vào đúng dịp Hội Quán Thế Âm, du khách còn được hòa mình vào Lễ vía Đức Bồ Tát Quán Thế Âm hay tham gia các phần hội như đua thuyền truyền thống, triển lãm ảnh, hát bài chòi, hội trại gia đình Phật tử, biểu diễn võ thuật… Hội Quán Thế Âm là một trong 15 lễ hội lớn nhất cả nước với mục đích cầu quốc thái dân an, khởi dậy lòng từ bi của chúng sinh.