Hà Nội những ngày đầu chống chiến tranh phá hoại (Phần 1)

Ký ức VN-Thứ năm, ngày 21/11/2013 07:47 GMT+7

 Sau năm 1966, dân số Hà Nội chỉ còn khoảng 400.000 người, hơn 600.000 người đã phải đi sơ tán. Chưa bao giờ Hà Nội buồn đến thế khi thiếu đi những tiếng vui đùa trẻ thơ...

“Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập, tự do. Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”. (Lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước - Chủ tịch Hồ Chí Minh - 17/7/1966)

Năm 1966, những cột khói bom có thể nhìn rõ từ góc phố Tràng Tiền, đánh dấu bước ngoặt của người dân Hà Nội trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Thủ đô thức dậy sớm hơn. Công nhân đi làm từ 5 giờ sáng, chủ yếu bằng tàu điện. Cũng từ 5 giờ, bách hoá tổng hợp mở cửa để người dân tranh thủ mua sắm nhu yếu phẩm. Đến 8 giờ sáng, phố đã thưa vắng. Chỉ còn những toán dân quân tự vệ, súng trên vai, tới đổi gác tại những trận địa phòng không.

‘ Không khí vắng lặng của phố phường Hà Nội năm 1966

Những hoạt động tập trung đông người được giảm thiểu tối đa để hạn chế khả năng thiệt hại do bom đạn Mỹ. Hàng hoá được phân tới từng tổ, đẩy xe khắp các ngõ phố để phục vụ người dân Hà Nội. Để giành thắng lợi cuối cùng thì phải duy trì sản xuất nên máy móc và công nhân cùng đi sơ tán. Phố phường Hà Nội vắng lặng trong những năm tháng hứng chịu bom đạn của cuộc chiến tranh phá hoại. Sau năm 1966, dân số Hà Nội chỉ còn khoảng 400.000 người, hơn 600.000 người đã phải đi sơ tán. Chưa bao giờ Hà Nội buồn đến thế khi thiếu đi những tiếng vui đùa trẻ thơ.

Hầm trú ẩn cá nhân được xây dựng khắp Hà Nội, trước cửa nhà, trên hè phố, trong công viên. Dân quân tự vệ hăng say tập luyện quân sự. Ngay cả những phương án xấu nhất, như đánh địch trong thành phố cũng được tính đến. Những điểm cao của Thủ đô đều trở thành những trận địa phòng không. Những nhà máy phải bám trụ ở Hà Nội, đều trở thành những đơn vị quân sự. Những công nhân giương cao khẩu hiệu “Giỏi tay máy, chắc tay súng”. Thăng Long, nay đã thành chiến địa. Hà Nội, người Hà Nội, chưa bao giờ run sợ trước bất cứ kẻ thù nào. Điều đó, đế quốc Mỹ rồi sẽ nhanh chóng được học.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước