Làng nghề mỹ nghệ Sơn Đồng: Nơi “thổi hồn” cho gỗ

Hữu Hải-Thứ tư, ngày 26/03/2014 23:37 GMT+7

Nhắc đến làng nghề mỹ nghệ Sơn Đồng (Hoài Đức – Hà Nội), không chỉ người dân Thủ đô mà nhân dân nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước đều biết tiếng. Đây là một làng nghề truyền thống đã hàng nghìn năm tuổi, chuyên tạc tượng và làm đồ thờ bằng gỗ.

Bằng cái tâm với nghề, những nghệ nhân làng Sơn Đồng đã “thổi hồn” vào những khúc gỗ “chết”, tạo ra những sản phẩm với nét tinh hoa, độc đáo riêng biệt. Nhiều mặt hàng của làng đã được xuất khẩu ra thị trường thế giới. Vừa đem lại kinh tế cao lại vừa giới thiệu với bạn bè quốc tế về một Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc.

‘ Nghệ nhân làng Sơn Đồng đang chế tác gỗ

Theo các cụ nơi đây kể lại, cái tên Sơn Đồng đã có từ rất lâu rồi cùng với nghề điêu khắc tạc tượng. Người dân nơi đây không biết nghề có tự bao giờ. Chỉ biết, theo Ngọc phả Thần tích Đền thờ cụ tổ nghề tạc tượng tại đền Thượng - xã Sơn Đồng được soạn năm 976 triều Tiền Lê, tại làng Sơn Đồng thờ cụ Đức thánh Đào Trực. Cụ là người đã có công “phục nghệ giáo dân”, tức khôi phục nghề và dạy học cho dân. Sau khi cụ qua đời, Nhà vua lệnh cho bản trang Sơn Đồng lập miếu, tạc tượng thờ. Người được bản trang Sơn Đồng tôn là “Công sư phục nghệ” tức người có công khôi phục nghề và thờ làm nghệ sư tổ.

Về thăm Sơn Đồng, mới đến đầu làng, đã nghe thấy tiếng đục đẽo trên gỗ lách cách cho ta cảm nhận được sự sung túc của một làng nghề. Người dân trong làng kể: Thời chiến tranh, nghề điêu khắc gỗ ở đây cũng giống như các làng nghề khác ở Bắc bộ là bị mai một. Nhưng có một điều kỳ lạ là “hoa tay” của những người thợ nơi đây không vì thế mà mất đi. Đó là do sự truyền dạy từ thầy sang trò hay “cha chuyền con nối”. Sau khi đất nước hòa bình trở lại, nhất là thời kỳ sau Đổi mới, với tình yêu quê hương, yêu nghề, các cụ cao niên trong làng đã mở lớp dạy nghề đại trà cho dân làng và Nghề điêu khắc gỗ ở Sơn Đồng đã dần khôi phục và phát triển.

Làng Sơn Đồng hiện nay có khoảng hơn 300 hộ chuyên làm nghề mộc điêu khắc với trên 4.000 thợ lành nghề và nhiều nghệ nhân tài hoa. Ngoài đóng góp một phần không nhỏ cho kinh tế của huyện, làng nghề mỹ nghệ Sơn Đồng còn là nơi tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn nhân công ở khắp mọi nơi với thu nhập khoảng 1,5 triệu đến 2 triệu đồng/tháng.

Sản phẩm chủ yếu là các tượng Phật, tượng Đức Thánh, những người anh hùng, các linh vật thờ như ông Ngựa, ông Hạc, hoành phi, câu đối, cuốn thư, án gian, ban thờ... Tất cả đều được sơn son, thếp vàng, thếp bạc một cách tỉ mỉ và công phu. Hầu như ở các di tích đền, chùa, phủ... trong vùng đồng bằng Bắc Bộ đều có dấu ấn bàn tay tài hoa, khéo léo của nghệ nhân làng mỹ nghệ Sơn Đồng. Nét tinh hoa của nghệ nhân Sơn Đồng đã từng được khái quát: “Mắt người chưa thấy dung nhan phật/Mà tự tay người phật hiện ra”.

Từ bao đời nay, dân làng luôn khắc cốt ghi tâm câu "Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh". Có như vậy, cái nghề tưởng chừng như đơn giản ấy mới thực sự riêng biệt trong vô vàn những làng nghề chế tác đồ thờ. Để chế tác ra một sản phẩm không hề đơn giản, mà đặc biệt là trong việc chế tác đồ thờ và tượng thờ lại càng quan trong hơn do phải tuân thủ theo các tính chất của tôn giáo. Để bức tượng “sống”, phải thể hiện được sắc thái riêng của từng đấng bậc. Nhưng không phải ai cũng làm được mà nó đòi hỏi những nghệ nhân thật sự tài hoa mới tạo nên được cái thần cho các pho tượng. Theo các nghệ nhân, muốn có được những sản phẩm độc đáo tinh khôi, phải kể đến phẩm hạnh của người thợ, đặc biệt là cái "tâm", trong đó nổi bật là tâm đức, tâm hồn và tâm linh.

Một yếu tố hết sức quan trọng trong chế tác đồ thờ chính là việc thể hiện các nét chữ trên sản phẩm. Phần lớn các chữ trên đồ thờ được ghi bằng chữ Hán - Nôm, yêu cầu phải đẹp về nét, đúng về nghĩa, thể hiện sai nét chữ của tác phẩm linh thiêng là điều cấm kỵ.

‘ Một số sản phẩm tượng hoàn chỉnh được tạo ra bởi bàn tay của những nghệ nhân Sơn Đồng

Vươn ra thế giới

Trong quá trình hội nhập hiện nay, để vươn ra thế giới thì chỉ yếu tố tinh xảo, trau chuốt thôi chưa đủ, quan trọng là khâu PR (tiếp thị, quảng cáo) sản phẩm. Chính vì vậy, những nghệ nhân chủ chốt, tầm 40 tuổi như anh Nguyễn Viết Thạnh, Nguyễn Chí Quảng, Nguyễn Viết Thắng, Trần Đình Cường, Nguyễn Viết Hồng… cùng với những thợ trẻ của làng đã tích cực trong việc tập hợp các cá thể, hộ sản xuất, chủ doanh nghiệp tâm huyết với nghề lập nên Hiệp hội làng nghề mỹ nghệ Sơn Đồng, được thành lập năm 2001. Tiêu chí của Hội là hội tụ, bảo tồn tinh hoa làng nghề, liên kết cùng phát triển và khích lệ sự cạnh tranh lành mạnh. Tích cực tham gia các hoạt động tôn vinh, quảng bá thương hiệu làng nghề được tổ chức trong và ngoài nước.

Trong xu thế hội nhập, các doanh nghiệp nơi đây đang chuyển dần sang công nghệ chuyên môn hóa, chuyên sâu từng công đoạn. Đó là sự phát triển tất yếu của công nghệ hiện đại, song lại rất phù hợp với triết lý truyền thống "trăm hay không bằng tay quen". Phương thức sản xuất này bảo đảm cho sản phẩm tinh tế, trau chuốt hơn và có thể rút ngắn thời gian gia công. Hiện nay, Sơn Đồng đã có những cơ sở chuyên môn hóa như xưởng chuyên làm phần mộc, xưởng chuyên hoàn thiện các pho tượng. Đây là một công đoạn tỉ mỉ, trau chuốt, cần phải có kỹ năng và kinh nghiệm dày dặn mới dán được những tờ vàng, bạc rát mỏng lên gỗ, tạo nên vẻ huyền ảo, thiêng liêng.

Trong tương lai gần, những doanh nghiệp làng nghề mỹ nghệ Sơn Đồng sẽ sản xuất những sản phẩm đồ chơi mỹ nghệ hoặc sản xuất mô hình của những kỳ quan thiên nhiên… làm cho những khúc gỗ trơ trụi, thô ráp sẽ biến thành vật “sống”, phong phú, đa dạng hơn nữa, không còn bị bó hẹp trong phạm vi sản phẩm tâm linh. Tin rằng với tình yêu nghề tha thiết, quyết đi lên làm giàu bằng nghề truyền thống thì làng mỹ nghệ Sơn Đồng sẽ còn gặt hái được nhiều thành công hơn nữa, góp phần vào việc gìn giữ, bảo tồn, quảng bá và phát triển văn hóa dân tộc. Nhiều bạn bè quốc tế sẽ biết đến làng nghề mỹ nghệ Sơn Đồng – nơi “thổi hồn” cho gỗ.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước