"Nhiều khi phải năn nỉ du khách mặc áo phao"

Việt Hùng-Thứ ba, ngày 01/10/2013 17:45 GMT+7

Ở Nha Trang, gần như 100% tàu thuyền rời cảng đều không tuân thủ quy định an toàn đường thủy là hành khách phải mặc áo phao cứu sinh.

Trong thời gian gần đây, dư luận đã nhiều lần bức xúc bởi những vụ việc nâng giá vô tội vạ các dịch vụ du lịch, xảy ra liên tiếp tại một số địa phương. Bộ VH-TT&DL đã phối hợp với Bộ Công an, Bộ Giao thông Vận tải thành lập đoàn công tác liên ngành, kiểm tra môi trường du lịch tại Khánh Hòa và Bình Thuận, hai trung tâm du lịch quan trọng của khu vực Nam Trung Bộ, với lượng khách nước ngoài tăng trưởng đặc biệt nhanh trong những năm gần đây.

‘ Nạn chèo kéo, bắt chẹt đang làm xấu hình ảnh du lịch trong mắt du khách khi tới Việt Nam.

Tại trung tâm du lịch biển Nha trang, tỉnh Khánh Hòa, đoàn công tác đã tiến hành kiểm tra khu vực cảng Cầu Đá, khu vực cảng biển quan trọng nhất của thành phố với khoảng 700.000 lượt khách mỗi năm. Với đặc điểm cảng du lịch kết hợp với hàng hóa và dân sinh, nên khu vực cảng Cầu Đá thường xuyên rơi vào tình trạng quá tải, lộn xộn. Đặc biệt, gần như 100% tàu thuyền rời cảng ở đây đều không tuân thủ quy định an toàn đường thủy là hành khách phải mặc áo phao cứu sinh. Thực tế này đã tồn tại từ nhiều năm nay, tạo ra những nguy cơ lớn đối với an toàn tính mạng của du khách cũng như người dân địa phương.

Chủ tàu Trần Quốc Thái, TP Nha Trang cho biết: “Bây giờ họ không chịu mặc áo phao cứu sinh, nên chúng tôi cũng không biết phải làm thế nào. Nhiều khi phải năn nỉ họ mặc áo phao vào mà cũng không được”.

Tuy vậy, đoàn kiểm tra cũng đã phát hiện các tàu thường không trang bị đủ áo phao cho hành khách, hoặc áo phao đã quá cũ nát, không còn đảm bảo yêu cầu chất lượng sử dụng. Vi phạm quy định về an toàn đường thủy phổ biến này tại cảng Cầu Đá hoàn toàn không phải chỉ là do sự thiếu ý thức của hành khách. Cũng trong đợt kiểm tra môi trường du lịch, đoàn công tác cũng đã tiến hành thảo luận với UBND và ngành du lịch địa phương về việc thành lập Trung tâm hỗ trợ khách du lịch với nhiệm vụ giải quyết ngay những vụ việc mất an ninh, trật tự phát sinh trong quá trình du khách lưu trú.

“Việc thành lập những trung tâm này thực sự còn rất nhiều khó khăn vì nó liên quan đến chuyện những lực lượng nào tham gia, biên chế thế nào và thẩm quyền thực sự đến đâu”, ông Ngô Minh Chính, Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Bình Thuận đánh giá.

‘ Ảnh minh họa

Ông Hồ Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL cho biết: “Chậm nhất ngày 15/10, Bộ VH-TT&DL sẽ có văn bản hướng dẫn các địa phương trong việc thành lập các trung tâm hỗ trợ du khách. Bên cạnh đó, Bộ cũng sẽ tổ chức hội thảo để lấy kinh nghiệm của các địa phương đã triển khai rồi như Hà Nội hay Đà Nẵng”.

Ngay trong đợt kiểm tra, đoàn công tác cũng đã nhận được nhiều ý kiến quan trọng từ Khánh Hòa và Bình Thuận trong việc xây dựng mô hình Trung tâm hỗ trợ du khách cho những địa phương trọng điểm du lịch của cả nước. Sẽ có 10 trung tâm hỗ trợ du khách được thành lập tại 10 địa phương có trên 1 triệu lượt du khách ghé thăm mỗi năm. Một số điện thoại đường dây nóng duy nhất cũng sẽ được thiết lập thống nhất tại những trung tâm này, để du khách có thể kịp thời gọi điện ngay khi có bất kỳ sự việc gì xảy ra trong quá trình lưu trú.

Đây là những hành động nằm trong nỗ lực của ngành văn hóa trong việc chống nạn bắt chẹt, ép giá và những hành vi mất an toàn để cải thiện hình ảnh du lịch Việt Nam.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước