Những ngày sống… trên mây ở Tây Tạng

Mai Chi-Thứ hai, ngày 15/07/2013 07:00 GMT+7

 Chúng tôi đã lạc vào một chốn bồng lai tiên cảnh đầy huyền bí. Nơi đó là Tây Tạng - nóc nhà của thế giới.

Bay trên đỉnh núi tuyết

Xuất phát từ Quận 7, TP Hồ Chí Minh - nơi có độ cao gần như xấp xỉ mực nước biển, luôn bị triều cường tấn công, đáp ba chuyến bay liên tiếp (Hồ Chí Minh - Thẩm Quyến; Thẩm Quyến - Thành Đô; Thành Đô - Lhasa) chúng tôi đã vút lên độ cao gần 5.000 m.

Đúng là chỉ có đến Tây Tạng bằng đường hàng không và vào những ngày ông trời chiều lòng người như thế, mới có được diễm phúc được lướt qua và chiêm ngưỡng bạt ngàn đỉnh núi tuyết của dãy Hy Mã Lạp Sơn. Lớp lớp trắng toát, núi tiếp núi, mênh mông, nhấp nhô cao thấp, những đỉnh núi tuyết khi vồng lên như từng cơn sóng, khi nhọn hoắt, lúc lại trũng ở giữa, nhường chỗ cho mây trắng tràn vào.

‘ Tiếp viên của hãng hàng không Air China cũng chiếu cố chiều lòng những du khách không cầm lòng được trước cảnh núi tuyết ấp ôm mây, mây ấp núi tuyết mà rời khỏi chỗ ngồi, chọn những ô cửa sổ, chĩa ống kính ghi lại những khoảnh khắc hiếm hoi này. Chúng tôi đã hào hứng đón nhận món quà độc đáo đầu tiên từ Tây Tạng với một tinh thần hoàn toàn tỉnh táo, tràn đầy sinh lực.

Đó cũng là lúc qua cửa kính, tôi nhìn thấy những dòng sông uốn khúc, núi chuyển sang màu nâu của đất và những khu dân cư quá ư nhỏ nhoi, thưa thớt lọt thỏm trong thung lũng, núi non hiện ra.

Anh chàng hướng dẫn viên Tây Tạng vừa giúp khách lạ dùng bình oxy vừa khuyến cáo về những triệu chứng khó thở, đau đầu, chóng mặt, đầy bụng… hay nặng hơn là tăng - hạ huyết áp đột ngột, nhịp tim nhanh, ngất đi… mà khách sẽ gặp phải khi đến Tây Tạng. Người nhạy cảm như chị bạn của tôi sẽ bị tức thì. Người bình thường thì sau 7 tiếng, ai cũng bị ảnh hưởng. Tùy vào thể trạng, có người nhẹ, có người nặng. Đó là khi chúng tôi đến Tây Tạng bằng máy bay. Còn khi đi bằng tàu hỏa hoặc ô tô thì cơ thể con người sẽ thích nghi dần với độ cao, tránh được sự choáng váng đột ngột. Chính vì thế trước khi đi Tây Tạng, bạn phải chuẩn bị tốt về sức khỏe cũng như tìm hiểu về chứng choáng độ cao.

Anh chàng hướng dẫn viên địa phương nói tiếng Anh khá chuẩn, có cái tên dễ nhớ - Xia (tên tiếng Anh là Monday), nước da ngăm đen như bất cứ người Tạng nào bắt gặp trên đường. Chào đón chúng tôi, theo truyền thống của người Tạng, Xia ân cần quàng tặng mỗi người một khăn lụa trắng. Và suốt cuộc hành trình khám phá Tây Tạng của chúng tôi sau đó là những câu chuyện bất tận về núi tuyết, cung điện, đền đài, các vị Đạt lai lạt ma… mà bao giờ anh chàng Xia cũng thuyết trình một cách say sưa và đầy cảm hứng.

Tây Tạng khiến khách phương xa choáng ngợp trước vô vàn những bất ngờ. Không chỉ bởi một không gian trong trẻo, tĩnh lặng đến lạ thường. Mọi cảnh vật núi đồi, trời mây, non nước đều như được xích lại gần với nhau hơn. Bầu trời trong xanh và nắng vàng nhảy múa. Khách đến Tây Tạng đều có một nguyên do nào đó của riêng mình (rất tiếc do thiếu thông tin mà một số người muốn tìm sự giải trí, mua sắm lại lạc vào hành trình này để dở khóc dở cười!).

Chẳng phải vì thế mà câu hỏi đầu tiên của những người trong đoàn chúng tôi dành cho nhau là: vì sao đi Tây Tạng? Cuộc hành trình của tâm linh hay sự quyến mời của một vùng đất huyền bí đều là những lý do đáng để vật lộn với sự khắc nghiệt do không khí loãng và độ cao của nóc nhà thế giới gây ra. Vì thế, cho dù có choáng váng đầu óc, con tim như có ai bóp nghẹn thì tất cả 23 người trong đoàn chúng tôi vẫn không bỏ cuộc chiêm bái cung điện cao nhất thế giới Potala - di sản thế giới.

Ở nơi có bức tượng Phật “lớn” lên từng ngày

Có lẽ tôi cũng sẽ không bao giờ quên được buổi chiều được chiêm bái pho tượng Phật thích ca bằng vàng tại ngôi chùa nổi tiếng linh thiêng và cổ nhất ở Lhasa- chùa Đại Chiêu. Chùa do vua Tùng Tán Cán Bố xây dựng vào thế kỷ thứ 7, được UNESCO công nhận di sản thế giới.

Bức tượng Phật thích ca mâu ni khi ngài mới 20 tuổi thờ tại chùa Đại Chiêu do Văn Thành công chúa nhà Đường đem theo từ quê nhà khi nàng theo Tùng Tán Cán Bố về làm dâu ở vùng đất xa xôi, khắc nghiệt này. Với người Tạng thì chùa Đại Chiêu đặc biệt có ý nghĩa trong tâm linh của họ, có những người “tam bộ nhất bái” hay “nhất bộ nhất bái” cả chặng đường dài dằng dặc, vượt qua bao núi cao đèo sâu đến trung tâm Phật giáo Lhasa chỉ để đến lễ Phật ở Đại Chiêu chứ không phải cung điện Potala.

‘ Và câu mantra “Om mani Padme Hum” luôn được đọc lâm râm trong họng. Câu thần chú này cũng được viết vào những lá cờ ngũ sắc treo khắp các nơi linh thiêng, chùa chiền, sông hồ, đỉnh núi để cầu an lành.


‘ Khi chúng tôi đã đi vòng vo qua hàng trăm ban thờ thánh thần, hộ pháp, chư Phật mới đến được ban thờ của đức Phật thích ca mâu ni thời trẻ. Một nhà sư đang tỉ mỉ dát vàng lên khuôn mặt của Ngài. Anh chàng Xia cho biết, suốt 1300 năm qua, bức tượng vẫn liên tục được dát thêm vàng do người hành hương từ khắp nơi trên thế giới cung tiến. Và vì thế Ngài đã “lớn” lên nhiều so với ban đầu.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước