Đua xe F1: Tại sao các bộ lốp liên tiếp hỏng ở cuối GP Vương Quốc Anh

Thế Vũ (Ban Thể Thao)Cập nhật 19:23 ngày 04/08/2020

VTV.vn - Chỉ trong vòng 292 giây, tưởng chừng như chặng đua tại Silverstone sẽ kết thúc như dự đoán, tất cả mọi thứ thay đổi khi 3 bộ lốp hỏng chỉ trong 3 vòng đua.

Bước vào chặng đua vào ngày Chủ Nhật tại Silverstone, nhà cung cấp lốp Pirelli phân bổ ba cấu trúc lốp cho các tay đua tranh tài. Ba bộ lốp này là C1 (lốp cứng), C2 (lốp trung gian) và C3 (lốp mềm). Vì các đội đua từ đầu mùa giải đã bỏ phiếu tiếp tục dùng cấu trúc lốp từ mùa giải 2019, ba cấu trúc lốp từ chặng đua tại Silverstone là C1, C2 và C3 tiếp tục được Pirelli lựa chọn cho GP Vương Quốc Anh. Không những vậy, điều kiện thời tiết và nhiệt độ của chặng đua năm 2019 là tương đương với chặng đua ngày Chủ Nhật.

Đua xe F1: Tại sao các bộ lốp liên tiếp hỏng ở cuối GP Vương Quốc Anh - Ảnh 1.

Cấu trúc lốp cho 2 chặng đua ở Silverstone ngày 2/8 và ngày 9/8

Như vậy, chiến thuật của các đội đua cho chặng đua tại Silverstone gần như không đổi so với mùa giải năm ngoái, khi hầu hết các đội đua sẽ sử dụng chiến thuật vào pit một lần. Khu vực vào pit sẽ từ vòng 16-20 (cho các tay đua xuất phát trên bộ lốp mềm) và từ vòng 22-25 (cho các tay đua xuất phát trên bộ lốp trung gian). Sau khi vào pit, các tay đua sẽ tranh tài đến hết chặng trên bộ lốp cứng nếu không có sự can thiệp của xe an toàn.

Sự việc bắt đầu cho việc các bộ lốp hỏng vào cuối chặng bắt đầu từ tai nạn của Daniil Kvyat ở vòng 12. Khi tay đua người Nga mất lái chiếc AlphaTauri tại khúc cua Maggots sau khi lốp sau phía bên phải bất ngờ hỏng ở tốc độ khoảng 300 km/h. Chiếc AlphaTauri lao thẳng vào bức tường và buộc tổ trọng tài đưa xe an toàn ra để dọn hiện trường. Cho dù nguyên nhân tai nạn của Kvyat là do bộ lốp của anh nổ, thế nhưng lý do tại sao bộ lốp bất ngờ nổ lại khác so với những gì xảy ra cuối chặng.

Đua xe F1: Tại sao các bộ lốp liên tiếp hỏng ở cuối GP Vương Quốc Anh - Ảnh 2.

Các tay đua vào pit phản ứng sau tai nạn của Kvyat ở vòng 12

Tai nạn của Kvyat buộc các đội đua phải phản ứng và đưa các tay đua vào pit ở vòng 12 và 13 nhằm tránh mất thời gian ở giữa chặng đua. Trong tổng số 17 tay đua trên đường đua, 16 tay đua vào pit thay sang bộ lốp cứng để dùng đến hết chặng đua. Sớm hơn so với dự kiến vào pit thông thường và buộc các tay đua chạy trên bộ lốp cứng 3-4 vòng nhiều hơn dự đoán ban đầu.

Alex Albon của Red Bull là tay đua đầu tiên sử dụng bộ lốp cứng khi vào pit ở vòng thứ 7. Sau khi tay đua người Thái Lan để ý chiếc xe của anh bị rung mạnh sau va chạm với Kevin Magnussen ở vòng đầu tiên. Albon dùng bộ lốp cứng đến vòng 31 khi tay đua của Red Bull vào pit để dùng bộ lốp trung gian chạy đến hết chặng. Việc Albon thay bộ lốp cứng sớm là góc nhìn đầu tiên cho thấy bộ lốp cứng mòn nhanh hơn thông thường. Qua đó dự báo cho các tay đua cuối chặng về việc bộ lốp có nguy cơ hỏng ngày càng cao.

Và ở 3 vòng cuối của chặng đua, lần lượt Valtteri Bottas, Carlos Sainz và Lewis Hamilton lần lượt bị hỏng lốp. Trong khi Bottas và Sainz kém may mắn khi cả hai tay đua rơi khỏi top 10 khi đang có vị trí ghi điểm tốt. Hamilton vô cùng may mắn khi đưa chiếc xe về đích kịp thời để giành chiến thắng ngay trước khi Max Verstappen đuổi kịp. Red Bull phản ứng ngay lập tức sau khi lốp của Bottas bị hỏng và đưa Verstappen vào pit. Sau chặng đua, các kĩ sư của Red Bull cho rằng Verstappen cũng sẽ hỏng lốp ngay ở vòng cuối như Hamilton nếu không vào pit.

Đua xe F1: Tại sao các bộ lốp liên tiếp hỏng ở cuối GP Vương Quốc Anh - Ảnh 3.

Lần lượt Bottas, Sainz và Hamilton hỏng lốp cuối chặng

Điều đáng nói ở đây là cả ba lần hỏng lốp cuối chặng đều ở cùng một vị trí. Đó là lốp trước ở phía bên trái. Sở dĩ các lốp đều hỏng cùng một địa điểm đều dựa trên đặc điểm của đường đua Silverstone. Đường đua Silverstone là đường đua theo chiều kim đồng hồ và là có nhiều khúc cua nhanh rẽ sang bên phải. Qua đó buộc lốp ở phía bên trái chịu nhiều sức ép hơn phía bên phải. Khi Verstappen vào pit, một đồ hoạ của AWS đưa ra cho thấy lốp trên ở phía bên trái của Hamilton chỉ còn sử dụng được thêm khoảng 10%.

Đua xe F1: Tại sao các bộ lốp liên tiếp hỏng ở cuối GP Vương Quốc Anh - Ảnh 4.

Đồ hoạ cho thấy lốp trên ở phía bên trái của Hamilton chỉ còn sử dụng được thêm khoảng 10%

Đây cũng không phải là lần đầu tiên các bộ lốp trở thành tâm điểm tại GP Vương Quốc Anh. Khi ở mùa giải năm 2013 và 2017, các lốp ở phía bên trái liên tục hỏng. Qua đó đưa ra lo ngại về sự an toàn của bộ lốp từ Pirelli.

Đua xe F1: Tại sao các bộ lốp liên tiếp hỏng ở cuối GP Vương Quốc Anh - Ảnh 5.

Silverstone cũng là địa điểm của các vụ nổ lốp đáng chú ý vào mùa giải 2013 và 2017

Với việc GP Kỷ Niệm 70 Năm lại diễn ra tại Silverstone vào cuối tuần này. Với Pirelli dự định sử dụng cấu trúc C2, C3 và C4 mềm hơn. Điều này sẽ khiến các đội đua sẽ đau đầu khi tìm ra giải pháp vì 3 bộ lốp chính sau các sự cố ở ngày Chủ Nhật vừa qua.