Lần đầu tiên, Việt Nam có 3 trường Đại học nằm trong Bảng xếp hạng đại học Thế giới của Times Higher Education 2020. Đây là một trong những bảng xếp hạng uy tín nhất trên thế giới. Điều này đã phần nào cho thấy, có 3 yếu tố bao gồm: Giao quyền tự chủ cho các trường; Đẩy mạnh kiểm định chất lượng giáo dục đại học và thúc đẩy nghiên cứu khoa học đang trở thành chiếc kiềng 3 chân vững chắc tạo đà để giáo dục đại học Việt Nam khởi sắc.
Trong 5 tiêu chí xếp hạng, ĐH Quốc gia Hà Nội đứng đầu Việt Nam ở 3 tiêu chí giảng dạy, nghiên cứu khoa học, và hội nhập quốc tế.
Đại học Quốc gia TP.HCM đứng đầu về chỉ số thu nhập từ doanh nghiệp. ĐH Bách khoa Hà Nội có chỉ số về trích dẫn khoa học cao nhất. Trước đó, Đại học Tôn Đức Thắng cũng lọt trong bảng xếp hạng AWRU 2019, với số lượng công bố quốc tế tăng đáng kể trong vài năm nay.
GS Nguyễn Hữu Đức, Tổ trưởng Tổ tư vấn của Ủy ban quốc gia đổi mới giáo dục và đào tạo giai đoạn 2016 - 2020 nhận định: Với sự hỗ trợ của Quỹ Nafosted và việc hình thành văn hóa công bố quốc tế, số lượng các bài báo xuất bản trên các tạp chí thuộc hệ thống ISI và Scopus của Việt Nam đã tăng lên rất mạnh, tăng hơn 2 lần trong vòng 5 năm qua. Trong đó, các trường đại học đóng góp xấp xỉ 70%.
Đến nay, đại học Việt Nam đã có tên trong cả 3 bảng xếp hạng phổ biến và uy tín nhất thế giới. Các chuyên gia cũng cho rằng, đối với một trường đại học, bên cạnh các bài báo khoa học, mục tiêu quan trọng nhất vẫn là kỹ năng và việc làm của sinh viên. Vì thế, với những trường định hướng ứng dụng, nếu nghiên cứu ứng dụng tốt, được cộng đồng các nhà tuyển dụng đánh giá cao, sinh viên ra trường có việc làm và thu nhập cao thì hoàn toàn có cơ hội lọt vào các bảng xếp hạng hàng đầu thế giới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!