5 giải pháp ngăn chặn nguy cơ suy thoái đạo đức của học sinh

Khánh Nguyễn (Theo TTXVN)-Thứ năm, ngày 07/11/2024 14:37 GMT+7

Nam sinh ở Cần Thơ bị bạn dùng ghế đánh vào đầu, trong khi các bạn khác đứng xung quanh nhìn. Ảnh: Cắt từ clip

VTV.vn - Trong những năm gần đây, một số vụ việc vi phạm đạo đức, lối sống của học sinh khiến dư luận quan ngại.

Còn nhiều hành vi lệch chuẩn

Theo Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam Phạm Quang Thao, trong các nhà trường hiện nay, nhiều học sinh có ý thức rèn luyện, phấn đấu, đoạt giải cao tại các kỳ thi quốc tế. Nhiều học sinh vùng khó khăn, thiếu thốn nhưng biết vượt nghèo, học giỏi. Nhiều học sinh tình nguyện cõng bạn tật nguyền đến trường không quản ngại mưa nắng hay dũng cảm cứu bạn bị đuối nước... đã xây dựng những hình ảnh đẹp của tuổi học sinh.

Tuy nhiên, không ít học sinh vẫn đang có những hành vi lệch chuẩn trong đạo đức, lối sống, nói năng thiếu lễ độ, gây bạo lực học đường, vi phạm pháp luật...

Theo PGS.TS Phạm Viết Vượng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến những hành vi lệch chuẩn trong đạo đức, lối sống của học sinh như do đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi, sự phát triển thiếu kiểm soát của Internet, mạng xã hội về những vấn đề lối sống tiêu cực…

Còn theo PGS. TS Tô Bá Trượng, Viện Nghiên cứu hợp tác phát triển giáo dục những năm gần đây, tình hình suy thoái đạo đức của học sinh phổ thông đang có xu hướng gia tăng, nhiều vụ vi phạm có tính nghiêm trọng, có biểu hiện xuống cấp về đạo đức, lối sống. Tình trạng học sinh xúc phạm giáo viên đã diễn ra ở một số địa phương. Vì vậy, các nhà trường cần sử dụng cá biện pháp và hình thức tuyên truyền đa dạng, hấp dẫn, phù hợp với đặc điểm tâm lý lứa tuổi học sinh; tăng cường phối hợp với gia đình, chính quyền và các cơ quan, đoàn thể địa phương sớm phát hiện những hành vi lệch chuẩn trong và ngoài nhà trường để cùng uốn nắn các học sinh cá biệt.

Xây dựng mối quan hệ khăng khít giữa gia đình và nhà trường

Vấn đề nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức, ngăn chặn nguy cơ suy thoái đạo đức của học sinh phổ thông trong bối cảnh hiện nay là một nhiệm vụ cấp bách của mọi nhà trường, của toàn ngành giáo dục.

PGS.TS Tô Bá Trượng, Viện Nghiên cứu hợp tác phát triển giáo dục cho rằng, giáo dục đạo đức cho học sinh phổ thông hiện nay có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt trong việc hình thành nhân cách và phát triển toàn diện cho học sinh. Học trò được giáo dục đạo đức sẽ biết cách ứng xử đúng mực trong các tình huống khác nhau, từ đó phát triển kỹ năng giao tiếp và làm việc nhóm. Điều này rất quan trọng trong việc xây dựng các mối quan hệ xã hội và làm việc hiệu quả trong cộng đồng. Đồng thời, giáo dục đạo đức giúp ngăn chặn các hành vi tiêu cực như bạo lực học đường, gian lận thi cử…

Song, gia đình là môi trường đầu tiên và quan trọng nhất ảnh hưởng tới sự hình thành nhân cách và đạo đức của học sinh. Gia đình cần gương mẫu, dành thời gian chất lượng cho con. Hỗ trợ con trong việc học tập. Truyền đạt cho con những giá trị sống.

"Khi có mâu thuẫn gia đình, hãy giải quyết xung đột một cách xây dựng và tích cực, thay vì nổi giận hoặc dùng bạo lực. Trẻ em sẽ học cách giải quyết vấn đề một cách ôn hòa và hiệu quả từ việc quan sát cha mẹ xử lý tình huống", ông Trượng cho hay.

PGS. TS. Phạm Viết Vượng phân tích thêm, ngành giáo dục nên biên soạn các tài liệu về giáo dục gia đình, đạo đức, lối sống truyền thống và hiện đại của thế giới văn minh cho học sinh và phụ huynh tham khảo. Đồng thời, nâng cao chất lượng giáo dục nhà trường. Khoa học và thực tiễn đều khẳng định, giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh tốt nhất là nâng cao năng lực nhận thức và tư duy độc lập cho các em đồng thời, nâng cao chất lượng giảng dạy các môn khoa học xã hội, đạo đức, giáo dục công dân, lịch sử…

Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng và hiệu quả phối hợp giữa các lực lượng giáo dục, xây dựng mối quan hệ khăng khít giữa gia đình, nhà trường và xã hội để phối hợp giải quyết các tình huống có thể xảy ra đối với học sinh.

PGS.TS Trần Đình Tuấn, Viện Nghiên cứu Hợp tác phát triển giáo dục đưa ra 5 giải pháp ngăn chặn nguy cơ suy thoái đạo đức của học sinh. Đó là: Xây dựng nhà trường thực sự trở thành trung tâm giáo dục đạo đức cho học sinh; xác định rõ mục đích, chức năng của quá trình giáo dục đạo đức, nhân cách cho học sinh trong nhà trường; đổi mới chương trình giáo dục, tăng tỉ lệ thời gian và các môn giáo dục đạo đức trong nhà trường; xây dựng nội dung giáo dục đạo đức cho từng lớp và từng cấp học phù hợp độ tuổi; đa dạng hóa các phương pháp, hình thức tổ chức giáo dục đạo đức trong nhà trường.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước