Một trong những sự kiện thu hút sự chú ý nhất của dư luận trong tuần qua có lẽ chính là việc Bộ GD&ĐT công bố kết quả kỳ thi THPT Quốc gia 2015.
Nếu có một thiết bị đo cảm xúc của con người thì tuần vừa rồi, chỉ số cảm xúc hồi hộp lo lắng có lẽ là sẽ nhảy lên cao nhất bởi hơn 1 triệu thí sinh và gia đình hồi hộp theo dõi kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia. Đến nay, các em đã đều biết kết quả, tuy vậy, xung quanh việc công bố kết quả này có nhiều điều để bàn.
Trước hết là tình trạng trục lợi thí sinh bằng trò tra cứu điểm thi. Nắm bắt tâm lý của thí sinh, phụ huynh muốn biết điểm nhanh, nhiều đối tượng xấu đã bày ra trò lừa đảo tra cứu điểm thi qua tin nhắn SMS để trục lợi.
Sau đó, đại diện Bộ GD&ĐT đã lên tiếng về vấn đề này và cho biết Bộ chủ trương công bố kết quả kỳ thi THPT Quốc gia với 3 hình thức là thông qua tài khoản cá nhân của thí sinh; thông qua các giấy báo kết quả thi và thông qua website của Bộ GD-ĐT. Tất cả hình thức tra cứu kết quả thi đều miễn phí.
Tuy mức phí dịch vụ 15.000 đồng/người có thể là không lớn, nhưng thử hình dung nếu hàng nghìn người mắc bẫy, những kẻ trục lợi sẽ thu lợi nhuận lớn thế nào?
Chưa hết, khi điểm thi chính thức được công bố, cũng có không ít lùm xùm. Kỳ này, các cơ quan báo chí được phen bất ngờ khi Bộ Giáo dục thông báo dữ liệu kết quả thi do Bộ quản lý và chỉ duy nhất Bộ mới được công bố điểm thi trên các website của mình, các cụm thi không được công bố. Ngay lập tức, nhiều chuyên gia đã cảnh báo những sự cố có thể xảy ra do quá nhiều người sẽ cùng lúc truy cập trang web của Bộ, trong khi hạ tầng kỹ thuật không bảo đảm. Sau đó, Bộ cũng đã cho phép 8 trường đại học cùng được công bố kết quả thi nhằm giảm tải cho cổng thông tin của Bộ. Nhưng cuối cùng, sự cố nghẽn mạng vẫn xảy ra.
Như vậy, chỉ trong việc công bố kết quả thi thôi đã có nhiều điều đáng bàn. Tuy vậy, vấn đề chính là kết quả thi.
“Tốt nghiệp THPT Quốc gia: Trượt nhiều hơn mọi năm” là nhận định của báo Tiền Phong.
Báo Người lao động nhận định, kết quả này phù hợp với thực tế là ở các cụm thi do các trường ĐH chủ trì có nhiều thí sinh có kết quả học tập cao hơn. Và những ý kiến lo ngại các cụm thi do địa phương tổ chức sẽ coi thi, chấm thi lỏng hơn đã không xảy ra.
Về phổ điểm kỳ thi THPT Quốc gia mà Bộ GD&ĐT công bố, báo chí cho rằng, đây cũng là điểm tiến bộ của Bộ GD&ĐT năm nay, khi công bố phổ điểm cùng kết quả thi tốt nghiệp THPT của thí sinh, giúp xã hội có cái nhìn tổng thể về chất lượng dạy và học hiện nay ra sao.
Ngay sau khi có tỷ lệ đậu tốt nghiệp và phổ điểm, các chuyên gia giáo dục đã bày tỏ ý kiến của mình. Nhiều chuyên gia cũng bày tỏ lo ngại với phổ điểm môn ngoại ngữ, khi có tới hơn 74.000 thí sinh đạt từ 2 đến 2,5 điểm.
Lúc chưa biết điểm thi thì lo, mà biết điểm thi vẫn chưa hết lo. Cái lo nhất của thí sinh và gia đình bây giờ là điểm sàn Đại học 2015 sẽ như thế nào. Báo Lao động thông tin, nhiều Đại học “top” đầu đã “nhấn nhá” các mức điểm chuẩn dự kiến theo hướng cao hơn mức điểm chuẩn mọi năm do mặt bằng điểm thi năm nay cao hơn.
Bắt đầu từ 1/8 thí sinh sẽ bắt đầu chọn trường và ngành xét tuyển nguyện vọng 1. PGS-TS Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục khuyên thí sinh nên cân nhắc dựa trên điểm thi của mình, tham khảo với điểm chuẩn các năm trước. Bởi lẽ, ngành nào điểm trúng tuyển các năm cao, năm nay sẽ tiếp tục cao và ngược lại.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho rằng các em phải tham khảo phổ điểm mà Bộ vừa công bố để biết được có bao nhiêu người bằng hoặc thấp hơn, cao hơn điểm của mình để lựa chọn trường xét tuyển cho phù hợp.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!