Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, trong các đề án tuyển sinh, các trường nêu ra nhiều phương án, có phương án vừa thi, vừa xét tuyển, sử dụng kết quả học tập phổ thông. Đáng chú ý, các trường đều xác định "ngưỡng tối thiểu" về kiến thức đối với thí sinh.
Bên cạnh những trường ngoài công lập, các trường công lập như ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, ĐH Đà Nẵng... cũng có phương án lựa chọn thí sinh riêng.
Trong số 31 đề án được chuyển về Bộ, có 15 đề án được cho là tương đối hoàn thiện, được Bộ công bố các dự thảo đề án này. Có 10 trường ĐH, CĐ khối văn hóa - nghệ thuật tiếp tục tuyển sinh riêng và có 6 đề án đang quá trình hoàn thiện.
Theo ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, với những đề án tuyển sinh của các trường, Bộ chỉ có chức năng xác nhận có phù hợp hay không, chứ không cấp phép, không phê duyệt. Những nội dung quy định trong dự thảo quy định tự chủ tuyển sinh các trường ĐH, CĐ giúp thí sinh sẽ có nhiều cơ hội hơn trước.
Lý do là tuyển sinh riêng sẽ không thi theo khối, không quy định bắt buộc các môn, mà các trường sẽ có những phương án tuyển sinh đa dạng khác nhau, có thể là thi một môn kết hợp phỏng vấn… Cơ hội của thí sinh còn được thể hiện ở chỗ, đề thi phong phú, không bỏ sót thí sinh có năng lực phù hợp.
Từ nay đến trước 10/3, Bộ GD-ĐT sẽ lắng nghe ý kiến phản hồi về các đề án tự chủ tuyển sinh trước khi công bố chính thức các cơ sở đạt yêu cầu của dự thảo.