Bộ trưởng Bộ GDĐT lưu ý nhiều chữ 'không' trong công tác pháp chế

Khánh Nguyễn-Thứ tư, ngày 09/10/2024 07:35 GMT+7

Quang cảnh hội nghị

VTV.vn - Chiều 8/10, tại Hà Nội, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị tổng kết công tác pháp chế ngành Giáo dục năm học 2023-2024.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh: Hội nghị là dịp để ngành Giáo dục nhìn nhận, đánh giá kết quả triển khai thực hiện nhiệm vụ năm học 2023-2024 đối với công tác pháp chế ngành giáo dục; trên cơ sở đó thống nhất đề xuất nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cho năm học 2024-2025, góp phần thực hiện hiệu quả đổi mới giáo dục và đào tạo, tăng cường công tác xây dựng thể chế, hệ thống văn bản nội bộ.

Khẳng định công tác pháp chế ngành giáo dục được lãnh đạo Bộ GD&ĐT hết sức quan tâm, được xác định là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu để góp phần hoàn thiện, xây dựng thể chế cho toàn ngành, Thứ trưởng nhìn nhận, công tác pháp chế đã và đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Bên cạnh những hạn chế về biên chế, nguồn lực hoạt động, còn phải đối diện với sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ và sự biến động liên tục của đời sống và nhu cầu xã hội.

Điều này đòi hỏi cán bộ pháp chế luôn không ngừng trau dồi và cập nhật kiến thức, kỹ năng để thích nghi với sự phát triển, từ đó có thể tham mưu, tư vấn ban hành các quy định pháp luật vừa đảm bảo tính pháp lý, vừa đảm bảo tính khả thi, phù hợp với thực tiễn, đặc biệt là có tính ổn định cao. Ngoài ra, đặc thù các nhiệm vụ của công tác pháp chế để có thể hoàn thành một cách thuận lợi và hiệu quả cũng đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ từ các cơ quan, đơn vị khác, do vậy rất cần sự chung tay, góp sức của toàn ngành.

Bộ trưởng Bộ GDĐT lưu ý nhiều chữ không trong công tác pháp chế - Ảnh 1.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc phát biểu khai mạc hội nghị

Báo cáo kết quả thực hiện công tác pháp chế ngành giáo dục năm học 2023-2024, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Mai Thị Anh cho biết: Trong giai đoạn từ tháng 9/2023 đến tháng 8/2024, Bộ GDĐT đã ban hành và trình ban hành được tổng số 53 văn bản, bao gồm: 2 Nghị định, 1 Nghị quyết của Chính phủ; 1 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 27 Thông tư, 22 Quyết định cá biệt của Bộ trưởng.

Bên cạnh những văn bản đã được xem xét ký ban hành, trong năm học 2023-2024, Bộ GD&ĐT đang tập trung nguồn lực để xây dựng các văn bản có tác động lớn đến toàn ngành Giáo dục, dự kiến trình ban hành trong năm 2024, 2025, như: dự án Luật Nhà Giáo; dự thảo Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2022-2030 và tầm nhìn đến năm 2045; dự thảo Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân và Khung trình độ quốc gia Việt Nam; các dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về Đổi mới chương trình giáo dục mầm non và về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo 3 đến 5 tuổi tại một số tỉnh, thành phố… Các văn bản trên đều là căn cứ quan trọng để nâng cao chất lượng công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực giáo dục, công tác dạy và học; đồng thời, củng cố vững chắc hành lang pháp lý trong lĩnh vực giáo dục.

Năm học 2023-2024, các Sở GD&ĐT tiếp tục tập trung vào việc nâng cao chất lượng công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực giáo dục tại địa phương. Đồng thời nỗ lực nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác pháp chế theo hướng kiện toàn và phát huy vai trò của tổ chức pháp chế. Theo báo cáo về Bộ 63/63 Sở GD&ĐT có bộ phận pháp chế với 55 cán bộ làm công tác pháp chế chuyên trách và gần 30 cán bộ làm công tác pháp chế kiêm nhiệm.

Tổ chức pháp chế của các cơ sở Giáo dục đại học (GDĐH) cũng đã phát huy tốt vai trò chủ trì, phối hợp với các bộ phận liên quan tư vấn, tham mưu những vấn đề pháp lý quy định tại quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường. Tính đến tháng 8/2024, có 242/242 cơ sở GDĐH đã thành lập phòng hoặc bố trí cán bộ làm công tác pháp chế với tổng số là 815 người.

Ngoài ra, công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật được Bộ GD&ĐT tiến hành thường xuyên, đúng quy định. Năm học 2023-2024, Bộ GD&ĐT đã ban hành nhiều văn bản để tổ chức triển khai thực hiện trong toàn ngành.

Bộ trưởng Bộ GDĐT lưu ý nhiều chữ không trong công tác pháp chế - Ảnh 2.

Vụ trưởng Vụ Pháp chế Mai Thị Anh báo cáo tại hội nghị

Bộ GD&ĐT đã ban hành kế hoạch hằng năm về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của ngành giáo dục, trong đó chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị thuộc Bộ, các Sở GD&ĐT, các cơ sở GDĐH thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả nhiệm vụ công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

Về phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm công tác pháp chế năm học 2024-2025, Vụ trưởng Mai Thị Anh cho biết, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức và hoạt động của tổ chức pháp chế; quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể và biện pháp, giải pháp về chế độ, điều kiện đảm bảo cho hoạt động của các tổ chức pháp chế/cán bộ làm công tác pháp chế tại các Sở GD&ĐT; các cơ sở giáo dục đại học, trường cao đẳng sư phạm.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh vai trò ngày càng quan trọng của công tác pháp chế. Xây dựng thể chế, công tác pháp luật được xem là một nhiệm vụ rất quan trọng của Chính phủ. Thủ tướng cũng chỉ đạo ráo riết các Bộ trưởng, trưởng ngành phải trực tiếp chỉ đạo công tác này.

Nhắc tới 4 trụ cột quan trọng trong quá trình đổi mới giáo dục là con người - thể chế - hạ tầng, cơ sở vật chất - chuyển đổi số, Bộ trưởng cho rằng, trong đó con người, cơ sở vật chất, chuyển đổi số đều xoay quanh vấn đề thể chế. Nếu thể chế không thông thoáng, không mở đường, không chặt chẽ đủ để quản lý thì cũng không phát triển được 3 vấn đề còn lại; thể chế yếu kém sẽ không giải phóng được nguồn lực và các yếu tố khác.

"Một trường đại học nếu xây dựng được quy chế nội bộ thật tốt, sẽ giải phóng được nguồn lực, sự sáng tạo, năng lượng từ bên trong được tốt nhất; sẽ phát huy, định hướng được tốt nhất và có cơ hội phát triển bền vững nhất", Bộ trưởng ví dụ về tầm quan trọng của công tác pháp chế.

Bộ trưởng Bộ GDĐT lưu ý nhiều chữ không trong công tác pháp chế - Ảnh 3.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

Năm học 2023-2024, ngành Giáo dục đã đạt được nhiều kết quả tích cực, trong đó có đóng góp quan trọng của những người làm công tác pháp chế. Ghi nhận điều này, Bộ trưởng đồng thời lưu ý một số vấn đề nhằm thực hiện tốt hơn công tác pháp chế trong thời gian tới, trong đó nhấn mạnh một số cái "không".

Đó là, không được phép coi nhẹ mảng công tác này; phát huy cao độ tham mưu của bộ phận pháp chế để không làm gì trái luật và trái với các quy định; không để chậm trễ trong ban hành, thay thế, hoàn thiện, bổ sung hệ thống các văn bản quy định nội bộ khi các chính sách đã thay đổi, điều chỉnh; không làm qua loa, làm ứng phó; không bao giờ được đổi lỗi cho việc không biết, không hiểu; không bỏ sót cái cần ban hành; không góp ý các văn bản quy phạm pháp luật một cách qua loa, tắc trách.

Bộ trưởng cũng đặc biệt nhấn mạnh vai trò người đứng đầu trong công tác pháp chế. Trong đó lưu ý người đứng đầu phải quan tâm chỉ đạo, dành thời gian, nguồn lực, trực tiếp chỉ đạo triển khai nội dung này; quan tâm tính chuyên nghiệp của bộ phận tham mưu; cập nhật kịp thời quy định mới và đóng góp ý kiến có trách nhiệm trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước