Lũ chồng lũ không chỉ gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản mà khiến cho hàng triệu học sinh gặp nhiều khó khăn khi quay trở lại trường học. Trong khi quỹ thời gian dự phòng cho năm học chỉ có 2 tuần đã dùng hết nên khó hoàn thành tiến độ chương trình là lo lắng của nhiều trường ở vùng lũ. Học bù là cách mà các địa phương vùng lũ đang thực hiện, tuy nhiên, về lâu dài, Bộ GD&ĐT có lẽ cần tính đến phương án phù hợp với những vùng đặc thù chịu nhiều thiên tai.
Thiết bị dạy học đã hư hỏng sau mưa lũ, ngập lụt dài ngày.
Lũ khiến toàn bộ sách vở, cặp, quần áo của em Nguyễn Thị Bông Lúa bị cuốn đi. Để có thể tiếp tục tới trường, thầy cô đã phải xin từng bộ quần áo, sách vở, bút viết để em có thể đi học.
Còn với em Trần Thị Huyền Trang, tại xã Liên Thủy, huyện Lệ Thủy, sách vở đã hỏng hết, sách vở mới vẫn chưa có. Không chỉ em Trang, hàng ngàn em học sinh khác cũng lâm vào cảnh tương tự.
Mặc dù có học bù nhưng các trường vẫn lo không kịp hoàn thành năm học đúng quy định.
Sau lũ, tại nhiều trường ở Quảng Bình, việc dọn dẹp đã được thực hiện, tuy nhiên, thiết bị dạy học đã hỏng gần hết. Theo khung thời gian quy định của Bộ GD&ĐT, sẽ có 2 tuần dự phòng cho các trường hợp bất thường, tuy nhiên, do ảnh hưởng bão lũ, một số trường học đã nghỉ quá 24 ngày, việc vừa khắc phục điều kiện dạy học lại vừa đảm bảo chương trình là vô cùng khó khăn.
Quỹ thời gian dự phòng 2 trên mà Bộ GD&ĐT đưa ra phù hợp với điều kiện bình thường. Tuy nhiên, tình hình thời tiết khắc nghiệt, mỗi vùng miền mỗi khác, đặc biệt là tại miền Trung, nơi đã và sẽ gánh chịu nhiều thiên tai, rõ ràng, đã đến lúc Bộ GD&ĐT cần nghiên cứu và xây dựng kịch bản lên khung chương trình phù hợp cho học sinh vùng lũ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!