Suốt 12 năm qua, công việc thường ngày của chị Đinh Thị Thủy không chỉ là đứng lớp giảng dạy mà còn là một người mẹ hiền, một nhân viên y tế chăm sóc cho những đứa trẻ bị nhiễm HIV tại Cơ sở cai nghiện ma túy số 2 (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội). Đối với chị, việc được gặp gỡ, chăm sóc và yêu thương các bé là cái "duyên nợ", cũng là việc chị lựa chọn sẽ gắn bó vì tình cảm và cái tâm với nghề nhà giáo.
Căn bệnh thế kỷ thường khiến người khác e sợ, đặc biệt là công việc phải tiếp xúc và chăm sóc thường xuyên cho người nhiễm HIV. Chị Thủy chia sẻ, những ngày đầu được phân công tới dạy trẻ nhiễm HIV chị cũng rất lo lắng và hoang mang. Nhưng ngay khi gặp gỡ, cảm nhận được tình cảm của các bé đối với mình, chị đã gạt bỏ đi mọi rào cản tâm lý, toàn tâm toàn ý dạy dỗ và chăm sóc các bé tại Cơ sở cai nghiện ma túy số 2.
Nhớ lại ngày đầu đi dạy, chị Thủy vẫn còn rất cảm động. Các bé thấy cô giáo thì chạy ùa ra đón, ôm chầm lấy cô và thi nhau hỏi "Con thưa cô, bao giờ con được đi học?". Nhìn ánh mắt mong mỏi và ngây thơ của các bé, chị đã bật khóc và có thêm động lực để gắn bó cùng các bé trong những năm tháng cuộc đời phía trước.
Vì biết các bé thiệt thòi cả về vật chất lẫn tình cảm nên chị Thủy cố gắng dành nhiều thời gian và lòng yêu thương cho các bé nhiều nhất có thể. Nhiều bé vì chưa được học trường mầm non nên nhận thức có phần chậm hơn, cùng với đó là ảnh hưởng của bệnh tật nên việc dạy học cũng gặp khá nhiều khó khăn. Chị Thủy phải tự tay giúp các con tô từng nét chữ, viết từng con số, kèm cặp theo sát để con có thể nhớ được mặt chữ.
Lớp học của chị Thủy với các bé bị nhiễm HIV tại Cơ sở cai nghiện ma túy số 2 (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội)
"Vì các con là những học sinh đặc biệt, cũng rất nhạy cảm nên không áp dụng theo chương trình Bộ Giáo dục. Cùng với việc rèn tay viết, mình cũng phải chú ý để nắm bắt tâm lý, tình trạng sức khỏe của các con để có tiết học phù hợp. Dạy học cho các con cần phải thật kiên trì, tâm huyết và dành nhiều thời gian, đi sớm vè muộn là chuyện bình thường mỗi ngày. Dạy các con không chỉ đứng trên bục giảng mà phải xuống tận nơi, ngồi cạnh các con để hướng dẫn tận tay thì các con mới hiểu bài được" - chị Thủy chia sẻ.
Những trẻ được chăm sóc và theo học tại Cơ sở cai nghiện ma túy số 2 đều phải chịu rất nhiều thiệt thòi. Hầu hết các bé không có bố mẹ bên cạnh nên thường thấy thiếu thốn tình cảm và dễ tổn thương. Chị Thủy cho biết, mỗi lần các con kể chuyện nhớ nhà, nhớ gia đình bằng chất giọng ngây thơ, ánh mắt hồn nhiên lại khiến chị xúc động bật khóc. "Các con đã đủ lớn để nhận thức được nỗi buồn, mỗi lần như vậy mình phải động viên các con bởi có thể bố mẹ các con đã chết vì bệnh tật, ông bà già yếu không thể chăm sóc. Các con ở đây được các mẹ nuôi dưỡng và được cô thương yêu. Mỗi lần nói chuyện, mình phải động viên thật nhiều, khơi dậy những ước mơ của các con để các con cố gắng sống tốt, sống khỏe còn hoàn thành giấc mơ của chính mình" - chị Thủy xúc động nói.
Vì mang trong mình căn bệnh thế kỷ nên sức khỏe của các bé cũng yếu ớt hơn, chỉ cần trở trời cũng sẽ cảm thấy mệt mỏi. Vì vậy, chị Thủy cũng phải chú ý hết sức đến tình trạng sức khỏe của các con, vừa chăm sóc, vừa theo dõi để thông báo cho nhân viên y tế điều trị.
Suốt 12 năm qua, chị đã có được không ít kỷ niệm tại ngôi trường tiểu học này. "Có thời điểm tôi đang giảng bài thì có trò bị chảy máu cam, đành ngừng dạy để săn sóc bé, vừa bảo bé ngửa cổ lên, vừa lấy giấy lau máu cho con rồi thông báo cho nhân viên y tế. Lại có bé bị gãy răng, tôi phải bẻ răng cho các con... Những lần gặp "sự cố" như vậy mặc dù khiến tiết học gián đoạn nhưng để lại những kỷ niệm đáng nhớ cho cô trò" - chị Thủy chia sẻ. Nhiều thế hệ học sinh đã học lên đến cấp 3 nhưng vẫn nhớ đến người mẹ hiền này. Cứ đến dịp 20/11, chị lại nhận được rất nhiều lời chúc từ các em học sinh cũ, nhiều em còn tự làm thiệp cùng những lời chúc rất dễ thương để gửi người cô yêu quý.
Chị Thủy cũng chia sẻ, thời gian đầu nhận công việc dạy học cho trẻ nhiễm HIV, chị không tránh được việc bị cộng đồng kỳ thị, ngay cả gia đình cũng không muốn chị vào Cơ sở cai nghiện ma túy số 2 để công tác. Nhưng sau khi chị chia sẻ câu chuyện về các bé bị nhiễm HIV bị bỏ rơi nhưng vẫn rất ham học, bản thân chị cũng muốn được giúp đỡ, yêu thương và chăm sóc các em nên gia đình đã hiểu và thông cảm với công việc này của chị.
Sau hơn 10 năm gắn bó với bục giảng, mang lại cái chữ, yêu thương và chăm sóc các bé, chị Thủy vẫn luôn cảm thấy hạnh phúc mỗi khi thấy các con nở nụ cười vui vẻ, dù cho tương lai sắp tới có ra sao!
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!