Chương trình giáo dục phổ thông mới:

Cần sự gắn kết dài hạn, bài bản giữa trường đại học sư phạm và trường phổ thông

TTXVN-Thứ tư, ngày 27/04/2022 14:05 GMT+7

Tọa đàm "Trường Sư phạm đồng hành cùng trường phổ thông trong phát triển năng lực nghề nghiệp giáo viên, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục" tại điểm cầu Hà Nội. Ảnh: Thanh Tùng - TTXVN

VTV.vn - Đây là ý kiến từ phía các trường sư phạm tại Tọa đàm về nội dung phát triển năng lực nghề nghiệp giáo viên, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.

Sáng 27/4, Ban Quản lý Chương trình phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông (ETEP) thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức tọa đàm "Trường sư phạm đồng hành cùng trường phổ thông trong phát triển năng lực nghề nghiệp giáo viên, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục".

Chia sẻ tại tọa đàm, ông Nguyễn Ngọc Dũng, Giám đốc Ban Quản lý Chương trình ETEP cho biết: Chương trình phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông đã vận hành trong 4 năm qua, với sự tham gia của 7 Trường Đại học Sư phạm và Học viện Quản lý giáo dục, tác động mạnh mẽ đến hoạt động bồi dưỡng phát triển nghề nghiệp của đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông trong cả nước.

Chương trình đã bồi dưỡng 31.390 giáo viên phổ thông cốt cán và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán. Đội ngũ này đã cùng với giảng viên sư phạm và giảng viên quản lý giáo dục hỗ trợ cho gần 725.000 giáo viên phổ thông và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông hoàn thành các mô đun cốt lõi trong bồi dưỡng thường xuyên để triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.

Ông Nguyễn Ngọc Dũng nhấn mạnh: Với mô hình bồi dưỡng mới, chuyển từ bồi dưỡng tập trung sang tự học, tự bồi dưỡng thường xuyên, liên tục, tại địa phương, nhà trường, có hỗ trợ của đội ngũ cốt cán, đội ngũ giảng viên sư phạm chủ chốt của các trường đại học sư phạm và hệ thống học tập trực tuyến, lần đầu tiên, các trường đại học sư phạm tham gia vào hoạt động bồi dưỡng giáo viên một cách hệ thống trong phạm vi toàn quốc. Mô hình đã đem lại hiệu quả kép cho sự phát triển nghề nghiệp của giáo viên phổ thông, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục cũng như tăng cường năng lực giảng viên sư phạm, giảng viên quản lý giáo dục.

Sau 4 năm triển khai, các trường đại học sư phạm đã có sự phát triển tích cực, từ vấn đề quản trị nhà trường; nghiên cứu khoa học và sáng tạo đến phát triển chương trình đào tạo gắn với đổi mới giáo dục phổ thông; phát triển năng lực đội ngũ giảng viên, cảnh quan môi trường sư phạm, cơ sở vật chất, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, hỗ trợ người học.

Tại tọa đàm, ý kiến trao đổi từ phía các trường đại học sư phạm cũng cho rằng, việc hỗ trợ giáo viên phổ thông cần có sự gắn kết một cách bài bản, dài hạn giữa trường đại học sư phạm và các trường phổ thông, nói cách khác, trường đại học sư phạm phải thường xuyên đồng hành cùng trường phổ thông phát triển năng lực nghề nghiệp giáo viên để thực hiện thành công chương trình giáo dục phổ thông mới.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Hiền, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết: Thực hiện chương trình ETEP đã làm thay đổi cơ bản các hoạt động của nhà trường theo hướng tích cực, trước hết là sự bài bản trong việc lập kế hoạch cho các hoạt động hàng năm, 5 năm và dài hơn. Thông qua đầu tư của Chương trình ETEP, hạ tầng công nghệ thông tin của trường cũng đã được nâng cấp đáng kể. Giảng viên của trường có cơ hội giao lưu, học hỏi và được tập huấn nhiều khía cạnh liên quan tới giáo dục và đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, góp phần hình thành một đội ngũ giảng viên có hiểu biết cơ bản về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, góp phần giải quyết các khó khăn cho giáo viên phổ thông trong việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Để duy trì những kết quả đạt được và những tác động của Chương trình ETEP, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành các văn bản thống nhất để hỗ trợ cho hoạt động dạy học, giáo dục, công tác kiểm tra đánh giá và thi cử theo định hướng phát triển năng lực một cách đồng bộ. Đồng thời, tiếp tục thúc đẩy mô hình bồi dưỡng giáo viên phổ thông thường xuyên, liên tục, tại chỗ theo mô hình của Chương trình ETEP; ban hành chính sách để tiếp tục gắn trách nhiệm của các trường sư phạm với các sở giáo dục và đào tạo trong công tác bồi dưỡng giáo viên.

Giáo sư, Tiến sĩ Lê Anh Phương, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm – Đại học Huế cũng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có khung hướng dẫn thực hiện chương trình thật linh hoạt, giao quyền chủ động cho các Sở Giáo dục và Đào tạo tùy theo tình hình thực tế của từng địa phương.

Về phía các Sở Giáo dục và Đào tạo, cần căn cứ các văn bản hướng dẫn của Bộ để xây dựng cơ chế, chính sách hợp lý, thúc đẩy hoạt động và hiệu quả đóng góp của lực lượng giáo viên phổ thông cốt cán trong quá trình hỗ trợ giáo viên đại trà tự bồi dưỡng.

Bên cạnh việc bồi dưỡng các mô đun cụ thể thuộc chương trình ETEP, các Sở Giáo dục và Đào tạo cần lấy ý kiến của giáo viên phổ thông để thu nhận nhu cầu bồi dưỡng cụ thể, từ đó chủ động phối hợp cùng các Trường Đại học Sư phạm xây dựng và triển khai nội dung bồi dưỡng phù hợp với nhu cầu của giáo viên.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước