Ảnh minh họa. (Nguồn: baodaklak.vn).
Dự kiến đến cuối năm 2015, Cần Thơ sẽ tuyển sinh và đào tạo nghề cho 40.000 người, đạt 100% kế hoạch, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề so với tổng số lao động đang làm việc trong nền kinh tế quốc dân là 50,76%. Đó là phát biểu của Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Châu Hồng Thái trong Hội nghị Tổng kết công tác đào tạo nghề thành phố Cần Thơ năm 2015, do UBND thành phố phối hợp cùng Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức ngày 18/11.
Để đạt được mục tiêu trên, ông Châu Hồng Thái cho biết, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ làm cơ quan đầu mối, phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành liên quan để tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, quản lý nhà nước về đào tạo nghề, đào tạo nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên. Bên cạnh đó, Sở cũng phối hợp với các đơn vị chức năng đổi mới nội dung, chương trình và phương pháp giáo dục nghề nghiệp, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo.
Sở sẽ phối hợp với Ban Tuyên giáo thành ủy, các cơ quan truyền thông, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các cấp hội, đoàn thể tuyên truyền sâu rộng đường lối chính sách của Nhà nước về đào tạo nghề; tư vấn, tuyên truyền về đối tượng được hỗ trợ dạy nghề, địa chỉ các trung tâm dạy nghề, các mô hình giải quyết việc làm điển hình... thông qua hội nghị tuyển sinh tại các trường trung học, sàn giao dịch việc làm. Bên cạnh đó, phối hợp với các phường, xã, thị trấn tới các ấp, khu vực để trực tiếp tư vấn và tuyển sinh đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
Công tác quản lý Nhà nước về đào tạo nghề cũng được chú trọng; thường xuyên kiểm tra, rà soát các điều kiện đảm bảo hoạt động của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố; thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động dạy nghề của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp không đủ điều kiện về số lượng giáo viên, phòng học lý thuyết, xưởng thực hành, thiết bị dạy nghề...
Ngoài ra, các sở, ngành cũng sẽ chú trọng đào tạo nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, đổi mới nội dung, chương trình và phương pháp giáo dục nghề nghiệp. Các đơn vị tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên tham gia các lớp đào tạo bồi dưỡng như đào tạo đại học, bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm dạy nghề, bồi dưỡng kỹ năng dạy học, bồi dưỡng tin học, ngoại ngữ... Đồng thời, chỉ đạo các trường nghề đổi mới nội dung chương trình đào tạo gắn liền với nhu cầu của thị trường lao động; quan tâm tới việc bố trí thời gian cho người học được thực tập thực tế tại các doanh nghiệp.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Văn Tâm đề nghị Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cần chú trọng tăng cường các nguồn đầu tư xã hội hóa để nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo. Bên cạnh đó, cần h oàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động; điều tra cung - cầu lao động, tổ chức tốt các phiên giao dịch việc làm, tăng cường gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp, khuyến khích cơ sở giáo dục nghề nghiệp thành lập bộ phận quan hệ với doanh nghiệp để nắm bắt nhu cầu lao động qua đào tạo nghề nghiệp của doanh nghiệp.
Theo thông tin từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, đến tháng 11/2015, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố đã tuyển sinh và đào tạo nghề cho hơn 37.600 người. Trong đó, cao đẳng nghề 1.400 người, trung cấp nghề gần 1.600 người, sơ cấp nghề hơn 18.500 người và dạy nghề thường xuyên hơn 16.000 người.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.