"Chẳng có nơi nào sách cho trẻ lại mang ý chí, tham vọng của người lớn"

Thùy An-Thứ tư, ngày 04/11/2020 11:34 GMT+7

VTV.vn - Vấn đề liên quan đến sách giáo khoa (SGK) tiếp tục là nội dụng nhận được rất nhiều ý kiến từ các đại biểu Quốc hội trong phiên thảo luận về kinh tế - xã hội sáng (4/11).

Dễ dãi đến khó tin

Trong phần phát biểu của mình đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (đoàn Phú Yên) cho biết, đây là năm đầu tiên áp dụng chương trình bộ sách hình thức xã hội hóa trong điều kiện vật chất còn thiếu thốn, đội ngũ giáo viên chưa thể đáp ứng yêu cầu cao chắc chắn còn nhiều bỡ ngỡ. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng chúng ta cần tham khảo nhiều nước, SGK khi biên soạn cần phải xây dựng hệ thống khoa học.

Cũng theo đại biểu Hiền không riêng gì một quyển sách mà cả 5 bộ sách đều dính lỗi cơ bản về nguyên tắc biên soạn về bản quyền, ngữ liệu. Lỗi trong SGK chỉ có đúng hoặc sai chứ không có lỗi không phù hợp. Điều này càng bộc lộ rõ về quy trình thẩm định, phát hành sách còn lỏng lẻo, dễ dãi đến khó tin.

Chẳng có nơi nào sách cho trẻ lại mang ý chí, tham vọng của người lớn - Ảnh 1.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên Phạm Thị Minh Hiền

"Đọc báo cáo và nghe báo cáo giải trình của Bộ GD&ĐT về bộ SGK, tôi chỉ có thể nói rằng người lớn đã sai rồi, sai trong cách tiếp cận, chẳng có nơi nào sách cho trẻ lại mang ý chí, tham vọng của người lớn. Có hội đồng thẩm định SGK cấp Quốc gia nào mà thẩm quyền còn thua giao viên, chẳng có nơi nào cho phép giáo viên thay hoặc điều chỉnh ngữ liệu khác nhau phù hợp hơn so với SGK", đại biểu Hiền nhấn mạnh

Đại biểu đoàn Phú Yên cũng cho rằng, một đội ngũ có trình độ, là nhà nghiên cứu khoa học, học hàm, học vị nhà nước đào tạo bài bản mà biên soạn, soạn sách lại có nhiều thiếu sót thì với giao viên – trình độ thấp hơn ai dám khẳng định tôi sẽ dùng ngữ liệu đúng hơn các giáo sư, tiến sĩ.

Cử tri đều biết, nhân dân đều giám sát

Tiếp nối vấn đề liên quan đến SGK, sau ý kiến vào chiều qua, đại biểu Đặng Thị Phương Thảo (đoàn Nam Định) lại tiếp tục có phát biểu.

"Tôi là con đẻ ngành giáo dục. Tôi thừa hưởng ngành giáo dục Việt Nam. Tôi đang công tác trong ngành giáo dục. 2/3 nội dung bài phát biểu của tôi trong ngày hôm qua tập trung vào đề xuất và giải pháp để cho ngành của mình tốt hơn. Bài phát biểu của tôi hôm qua mang tính chất cầu thị, và xây dựng", bà Thảo nói.

Thứ hai về SGK lớp 1 và các vấn đề liên quan, theo bà Thảo, thực tế cử tri biết, thấy bức xúc, cử tri đã phản ánh với đoàn đại biểu trước kỳ họp này.

"Tôi nghĩ chúng ta cần làm tròn trách nhiệm với nhân dân, và tôi đã phát biểu trung thực những kiến nghị của cử tri địa phương, không phải riêng cá nhân tôi", nữ đại biểu đoàn Nam Định cho biết.

Chẳng có nơi nào sách cho trẻ lại mang ý chí, tham vọng của người lớn - Ảnh 2.

Đại biểu Đặng Thị Phương Thảo (đoàn Nam Định)

Thứ 3 về vấn đề sai phạm chuyển cơ quan điều tra, theo bà Thảo, thực chất kiến nghị này là đẩy nhanh tiến độ điều tra để truy cứu trách nhiệm với hành vi in ấn làm giả sách giáo khoa, sách tham khảo để đảm bảo công bằng về quyền tác giả, quyền xuất bản của từng bộ sách. Bà Thảo nhấn mạnh mong muốn đòi hỏi sự công bằng về quyền lợi cho chính các tác giả thực sự của SGK nói chung và SGK lớp 1 nói riêng.

"Tôi là người có đầy đủ hành vi năng lực dân sự, tôi phát ngôn và chịu trách nhiệm về phát biểu của mình trước cử tri. Vì là ý kiến từ thực tế nên không có chuyện cử tri hoài nghi, hoang mang trước đề xuất của tôi. Có chăng tôi cần xin lỗi cử tri vì nhiều kiến nghị của họ mà tôi chưa thể chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền, chưa thể theo đuổi đến cùng vần đề như tôi đã hứa với cử tri", bà Thảo nói.

Thư 4 về đề xuất cơ quan điều tra vào cuộc để xác minh, theo bà Thảo, cử tri tỉnh này có thể không phản ánh như vậy như cử tri tỉnh khác lại bức xúc. Theo nữ đại biểu này, đây là vấn đề góc nhìn của mỗi cá nhân cử tri và đại biểu. Điều tra để xác minh sai phạm, mà điều tra cũng có thể trả lại sự trong sạch cho các nhân và tổ chức.

"Thứ 5, trước câu hỏi có sai hay không, sai không đáng kể hay sai nghiêm trọng, câu hỏi này làm tôi nghĩ đến nhiều câu hỏi tương tự khi tôi đi tiếp xúc cử tri đã đặt ra cho chính bản thân tôi. Thưa với Quốc hội, câu trả lời của tôi luôn luôn là sai hay không, tôi hay bất cứ cá nhân nào đều không có đủ khả năng căn cứ hay thẩm quyền để khẳng định. Câu trả lời phải đến từ cơ quan chức năng có thẩm quyền", bà Thảo nói.

"Cuối cùng trước Quốc hội, đại biểu nào phát biểu ra sao, nội dung thế nào, cử tri đều biết, nhân dân đều giám sát. Muốn phán xét một đại biểu, một vấn đề nào đó cần phản hồi từ trong dân, lòng dân, ý dân chứ không phải phiến diện từ 1 cá nhân nào", bà Thảo kết luận bài phát biểu của mình.

Sai sót biên soạn SGK, nên hay không đưa cơ quan điều tra vào cuộc? Sai sót biên soạn SGK, nên hay không đưa cơ quan điều tra vào cuộc?

VTV.vn - Theo đại biểu Đặng Thị Phương Thảo (đoàn Nam Định), sách giáo khoa (SGK) đã sai thì phải sửa.

Tôi không bênh Bộ GD&ĐT

Giống như chiều qua, sau phát biểu của đại biểu Đặng Thị Phương Thảo, đại biểu Bùi Văn Phương (đoàn Ninh Bình) đã xin tranh luận.

"Tôi nói ở đây không phải là bênh Bộ giáo dục nhưng phải nói khách quan. Ở đây là sách Tiếng việt lớp 1 có lỗi, có sạn, nhưng việc đó không ở mức độ nghiêm trọng như một số ý kiến.

Theo đại biểu Phương, sai sót là điều không thể tránh khỏi khi một chương trình mới bắt đầu. Việc này khắc phục được là giáo viên sẽ sửa lại khi tiến hành giảng dạy để phù hợp với bài giảng, chứ không có gì nghiêm trọng lắm.

Chẳng có nơi nào sách cho trẻ lại mang ý chí, tham vọng của người lớn - Ảnh 4.

Đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình)

"Bà Thảo có phát biểu là đề nghị vì vậy để tránh làm bức xúc cho nhân dân, tôi đề nghị cần có sự vào cuộc của cơ quan điều tra. Bên cạnh đó cũng cần đẩy nhanh tiến độ điều tra đưa ra xét xử, truy cứu trách nhiệm với hành vi in ấn, trái phép làm giả sách giáo khoa.

Đưa cơ quan điều tra việc in sai in lậu là hoàn toàn chính xác tôi không có ý kiến, nhưng tôi băn khoăn SGK có 1 số lỗi mà chuyển cơ quan điều tra để truy trách nhiệm của hội đồng biên soạn, hội đồng thẩm định, chủ biên, tác giả, tôi nghĩ là hơi quá mức", ông Phương nói.

Trách nhiệm của Bộ GD&ĐT mà trực tiếp là Bộ trưởng

Trước phát biểu của các đại biểu, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có ý kiến về vấn đề này.

Đề cập đến SGK, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng đây là vấn đề được nhiều đại biểu quốc hội, nhà giáo dục, phụ huynh, nhiều người phản ánh, lắng nghe phản ánh, để làm sao có bộ sách giáo khoa tốt phát triển, đổi mới giáo dục.

"Giáo dục đang thực hiện đổi mới, được cử tri cả nước quan tâm, rõ nhất năm nay là sách giáo khoa, vấn đề này được thực hiện theo Nghị quyết của Quốc hội và được quy định rõ trong Luật Giáo dục mới sửa đổi.

Trong đó quy định rất rõ ai chịu trách nhiệm về sách giáo khoa, từ việc hướng dẫn quy trình biên soạn, thành lập hội đồng và quy trình thẩm định, đến việc phê duyệt sách như thế nào, trực tiếp ở đây là trách nhiệm của Bộ GD&ĐT, trực tiếp là trách nhiệm Bộ trưởng", Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.

Phó Thủ tướng cho rằng, việc này không thuộc thẩm quyền trực tiếp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tuy nhiên cũng như các vấn đề giáo dục khác được Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm, nhiều cuộc thảo luận về vấn đề sách giáo khoa, có nhiều cuộc họp với các Bộ, ngành, nhiều cuộc trao đổi riêng với các thầy cô giáo.

Chẳng có nơi nào sách cho trẻ lại mang ý chí, tham vọng của người lớn - Ảnh 5.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam

"Sai đến đâu, sai mức nào thì phải cơ quan chuyên môn, ngay cả Bộ trưởng Nhạ nói với tôi là không hề có kiến thức và kinh nghiệm dạy ngữ văn lớp 1. Bộ SGK được biên soạn nhưng vốn tiếng Việt của nhóm Cánh Diều đã được Bộ GD&ĐT thẩm định và phê duyệt là có lỗi, có sạn, có sai sót", Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.

Theo Phó Thủ tướng, lỗi này (lỗi sách SGK lớp 1) cần phải được tiếp thu cầu thị, có những việc liên quan đến chuyên môn dạy ngôn ngữ cho trẻ bước đầu đi học phải có trao đổi cởi mở, cầu thị. Thủ tướng và cá nhân tôi đã yêu cầu Bộ GD&ĐT với tính thần như vậy.

"Bộ trưởng Nhạ đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và nhìn nhận rõ có sai sót và trách nhiệm thuộc cá nhân Bộ trưởng và đã có những bước chỉ đạo kiên quyết, thay Chủ tịch hội đồng thẩm định. Chính phủ tiếp tục chỉ đạo Bộ và Bộ trưởng phải lưu ý những sai sót này có thể tránh được phải được rút kinh nghiệm nghiêm túc, để quy trình biên soạn sách lớp 2, lớp 6 năm nay các năm tiếp theo không lặp lại", Phó Thủ tướng nói.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước