Học sinh lớp 1 tại hàng chục tỉnh thành không thực hiện giãn cách xã hội đang được nô nức tựu trường.
Như tại tỉnh Lai Châu, nhiều ngày qua đã không có ca bệnh thứ phát trên địa bàn. Đây là điều kiện thuận lợi để học sinh yên tâm tựu trường. Năm học 2021 - 2022, toàn tỉnh Lai Châu có hơn 150.000 học sinh các cấp học, trong đó có khoảng 30.000 học sinh bán trú.
Trước đó, để chuẩn bị cho ngày tựu trường này, các địa phương đã gấp rút đảm bảo những quy định phòng, chống dịch COVID-19. Nhiều phương án tổ chức đón học sinh cũng được xây dựng phù hợp với tình hình thực tế.
Thanh Hóa: Trường học chủ động phương án đón năm học mới
Địa bàn rộng, dân số đông lại vừa đón một lượng lớn người dân và các em học sinh trở về từ vùng dịch nên tại tỉnh Thanh Hóa, công tác chuẩn bị năm học mới đã được đặc biệt quan tâm, chú trọng.
Toàn bộ chăn, gối được ngâm qua dung dịch khử khuẩn cloramin B; vật dụng, đồ chơi cũng được lau chùi sạch sẽ. Những ngày qua, cán bộ, giáo viên các trường học trên địa bàn Thanh Hóa đã được huy động đến trường để vệ sinh trường lớp, chuẩn bị các điều kiện để sẵn sàng đón học sinh trở lại trường.
Tuy nhiên, hiện trên toàn tỉnh Thanh Hóa vẫn còn khoảng 100 trường học đang được trưng dụng làm khu cách ly. Không thể mạo hiểm, di chuyển người đang cách ly tại trường học sang địa điểm khác nên nhiều trường học buộc phải chấp nhận lùi thời gian thực hiện năm học. Tại huyện Triệu Sơn, các trường thuộc diện này đã chủ động lên kế hoạch tổ chức lễ khai giảng tại các nhà văn hóa thôn, công tác chuẩn bị năm học mới luôn trong tình thế sẵn sàng.
Theo thống kê chưa đầy đủ của Sở GD&ĐT, tỉnh Thanh Hóa có hơn 100 học sinh từ tỉnh ngoài đã trở về địa phương và hơn 300 học sinh đang ở tỉnh khác nhưng có nguyện vọng quay về để tiếp tục học tập. Ngành Giáo dục và Đào tạo đang tích cực phối hợp với cơ quan chức năng tổ chức phương án tiếp nhận.
Linh hoạt, chủ động trong việc xây dựng phương án chuẩn bị, thầy và trò Thanh Hóa đang háo hức chờ đợi một mùa tựu trường an toàn, tạo đà khí thế cho một năm học mới với nhiều thành tích mới.
Hà Nội: Tìm cách gỡ khó trong dạy và học khi không được đến trường
Tại một số tỉnh thành, mặc dù đã có kế hoạch cho học sinh tựu trường nhưng diễn biến dịch bất ngờ đã khiến ngành giáo dục địa phương phải điều chỉnh lại lịch tựu trường, khai giảng và lịch học năm học.
Tại Hà Nội, lễ khai giảng sẽ được tổ chức vào đúng 7h30 ngày 5/9/2021, bằng hình thức trực tuyến. Căn cứ vào quyết định này cùng với việc lường trước diễn biến của dịch bệnh, nhiều nhà trường đã xác định sẽ phải triển khai dạy và học trực tuyến cho các em. Công tác chuẩn bị cho năm học mới theo tình thế này cũng đặc biệt hơn nhiều các năm trước đây.
Không trang trí lớp học, không tập luyện văn nghệ chào mừng, tâm huyết chuẩn bị cho ngày tựu trường của Ban Giám hiệu trường THPT Khoa học Giáo dục dồn hết vào ý tưởng tổ chức tọa đàm nhằm giúp cân bằng tâm lý cho giáo viên học sinh sau một thời gian dài không được dạy và học trực tiếp.
Còn tại hệ thống giáo dục Thực nghiệm Victory, công tác chuẩn bị cho việc tiếp tục dạy và học trực tuyến cũng dày công hơn rất nhiều. Suốt thời gian qua, nhà trường đã tập trung biên soạn và đầu tư in ấn thêm tài liệu giảng dạy nội bộ, song song với chương trình sách giáo khoa.
Lường trước diễn biến dịch bệnh, công tác tập huấn giáo viên thích ứng với phương thức dạy học trực tuyến đã được trường học này chủ động triển khai. Chính vì thế, năm học này dù áp dụng dạy học trực tuyến ngay cho học sinh lớp 1 nhưng nhà trường đã nhận được phản hồi tích cực về công tác tổ chức lớp.
Với các trường mầm non, mặc dù chưa có chỉ đạo học online nhưng nhiều trường cũng chủ động xây dựng lịch tương tác với các con. Những ngày này, trường mầm non Phùng Khoang đang lập kế hoạch cho phương án học sinh không thể tới trường do dịch bệnh.
Sân trường vẫn đợi ngày gặp gỡ, cột bóng rổ vẫn chờ các cầu thủ trẻ nhưng năm học mới thì không thể không bắt đầu. Mỗi nhà trường một nỗ lực để cảm hứng học tập và rèn luyện vẫn sẽ được lan tỏa, cổ vũ trên những lớp học trên không gian mạng.
Tìm giải pháp đáp ứng nhu cầu sách giáo khoa trước thềm năm học mới
Năm học mới không thể thiếu sách giáo khoa, đồ dùng học tập mới. Ngày tựu trường và khai giảng năm học mới đang cận kề nhưng tại nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội, việc đi mua sách giáo khoa cho con của nhiều bậc phụ huynh cũng đang gặp khó bởi tất cả các cửa hàng sách đều đóng cửa. Để học sinh kịp có sách mới, những giải pháp kịp thời là việc cần làm ngay.
Tầm này mọi năm, Khánh Linh đã bọc xong cả bộ sách mới. Nhưng năm nay, em mới chỉ có 2 cuốn là Toán và Tiếng Việt. Để có được 2 cuốn này, mẹ Khánh Linh đã phải chật vật tìm kiếm qua nhiều kênh khác nhau.
Hiện, các nhà sách đều trong trạng thái cửa đóng, then cài. Cả lớp học có tới 35 học sinh nhưng mới chỉ 2 em có sách Ngữ văn lớp 6. Là năm học đầu tiên thay sách theo chương trình mới nên việc mượn lại sách cũ là không thể. Cô trò đều phải loay hoay xoay xở.
Trước lo ngại của học sinh, phụ huynh, Cục Xuất bản, in và phát hành đề nghị sách giáo khoa thuộc nhóm hàng thiết yếu, Bộ GD&ĐT cũng đề nghị các địa phương tạo điều kiện để sách đến nhà trường, học sinh trước năm học mới. Bởi lẽ đến nay, không riêng các tỉnh thành thực hiện giãn cách xã hội mà việc vận chuyển sách tới các địa phương khác cũng gặp nhiều khó khăn.
Khắc phục khó khăn, những ngày qua, cán bộ giáo viên tại trường học đã luân phiên làm công tác giao nhận sách tới tận nhà học sinh. Những trang sách tươi mới đã kịp thời đến tay lứa học sinh của năm đầu đổi mới giáo dục ở cấp trung học cơ sở.
Chỉ còn ít ngày nữa tiếng trống khai trường sẽ chính thức vang lên. Dù khai giảng nơi sân trường rợp nắng hay trên các ứng dụng tiện ích thì học trò cả nước vẫn đang cần lắm những sự chuẩn bị chu đáo các điều kiện dạy và học trong một năm học đặc biệt.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!