“Chiến thuật” xét tuyển: Tăng cơ hội đỗ vào Đại học, Cao đẳng cho thí sinh

Cuộc sống thường ngày-Thứ hai, ngày 03/08/2015 20:21 GMT+7

VTV.vn- Ông Trần Văn Nghĩa - Phó Cục trưởng Cục Khảo thí & Kiểm định chất lượng giáo dục - đã đưa ra một số góp ý giúp thí sinh tăng cơ hội đỗ ĐH, CĐ ngay từ nguyện vọng 1.

Ngày 1/8, các thí sinh đã bắt đầu nộp hồ sơ xét tuyển nguyện vọng 1 vào các trường đại học, cao đẳng trên toàn quốc. Ngay sau đó, nhiều câu hỏi xoay quanh quá trình xét tuyển Đại học, Cao đẳng năm nay đã được các thí sinh, phụ huynh đưa ra. Để giải đáp một phần những câu hỏi này, chương trình Cuộc sống thường ngày đã mời tới trường quay ông Trần Văn Nghĩa - Phó Cục trưởng Cục Khảo thí & Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD - ĐT.

Chia sẻ trong chương trình Cuộc sống thường ngày, ông Trần Văn Nghĩa khẳng định việc xét tuyển của các trường năm nay không khác nhiều so với những năm trước.

"Trước đây, các trường dựa trên cơ sở số lượng thí sinh đã đăng ký từ lúc dự thi và điểm số học sinh để xếp từ trên xuống dưới, sau đó đưa ra điểm trúng tuyển từng ngành. Năm nay, cách làm cũng tương tự vậy" - ông Trần Văn Nghĩa cho biết - "Quá trình xét tuyển năm nay chỉ khác một điều là sau khi có điểm rồi, các em mới tính toán đến việc chọn trường, chọn ngành. Đây sẽ là lợi thế cho các em".

"Đối với công tác tuyển sinh, có một quy luật là các trường, cách ngành có điểm trúng tuyển mọi năm thường cao thì những năm sau vẫn sẽ tiếp tục cao như vậy. Các em có thể so sánh điểm của mình với điểm trúng tuyển của các ngành, trường trước đây. Nếu khoảng cách điểm càng xa thì tỷ lệ trúng tuyển càng lớn", Trần Văn Nghĩ nói thêm.

Theo đó, nhằm giúp các thí sinh tăng cơ hội đỗ ngay từ nguyện vọng 1, ông Trần Văn Nghĩa cũng đưa ra 3 góp ý: "Thứ nhất, các em cần chọn trường, ngành phù hợp với điểm và nguyện vọng của mình. Thứ hai, các em phải tận dụng quy định của Bộ là cho phép chọn tối đa 4 ngành trong một trường để đảm bảo an toàn khi xét tuyển. Thứ ba, các em cần thường xuyên quan sát số lượng thí sinh đăng ký vào các trường để trong trường hợp cần thiết sẽ điều chỉnh hoặc rút hồ sơ".

Bên cạnh đó, trả lời câu hỏi của khán giả về quy định ủy quyền khi rút hồ sơ dự thi, ông Trần Văn Nghĩa cho biết: “Hồ sơ là tài sản của thí sinh. Nếu thí sinh hoặc bố mẹ thí sinh không trực tiếp lấy thì bắt buộc phải ủy quyền bằng văn bản cho một người khác. Đây là giao dịch bình thường mà các em đều có thể làm được".

Để lắng nghe những lời khuyên hữu ích từ ông Trần Văn Nghĩa - Phó Cục trưởng Cục Khảo thí & Kiềm định chất lượng giáo dục, Bộ GD - ĐT, mời quý vị và các bạn theo dõi video dưới đây:

 

 

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước