Kỳ thi THPT quốc gia 2015 đã hoàn tất với những đánh giá tích cực cả về công tác tổ chức, ra đề thi, chấm thi… Ở thời điểm này, câu hỏi được đặt ra là liệu kết quả của kỳ thi quốc gia vừa qua có đạt được như kỳ vọng? Đây cũng là chủ đề được phân tích trong chương trình Sự kiện & Bình luận tuần này với sự tham gia của 2 khách mời: PGS. TS Lê Hữu Lập - Chuyên gia giáo dục học, Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông Hà Nội; thầy Võ Đức Chỉnh, Hiệu trưởng trường PTTH Nguyễn Việt Hồng, thành phố Cần Thơ.
Đánh giá về kỳ thi THPT quốc gia năm nay, PGS.TS Lê Hữu Lập cho rằng kỳ thi này đã đạt được những mục đích, yêu cầu và tiêu chí theo mong muốn của Bộ GD - ĐT và toàn dân.
"Kỳ thi này đã giảm được chi phí tốn kém, giảm áp lực cho thí sinh và áp lực giao thông. Đồng thời, kỳ thi quốc gia chung cũng được tổ chức gọn nhẹ và đánh giá chính xác trịnh độ học lực của các thí sinh", PGS.TS Lê Hữu Lập nói.
PGS. TS Lê Hữu Lập - Chuyên gia giáo dục học, Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông
Đồng ý quan điểm của PGS.TS Lê Hữu Lập, song theo ý kiến của thầy Võ Đức Chỉnh, kỳ thi THPT quốc gia vẫn còn nhiều điểm hạn chế.
"Bộ GD - ĐT đã cố gắng để tổ chức một cuộc thi thành công" - thầy Võ Đức Chỉnh phân tích - "Tuy nhiên, vẫn có sự khác biệt giữa chất lượng tổ chức tại các cụm thi. Bởi lẽ, trong một kỳ thi chung quốc gia, khi có nhiều tổ chức cùng tham gia chấm thi, không thể đảm bảo sự công bằng giữa các cụm thi là tuyệt đối".
Kết thúc kỳ thi PHTH quốc gia, hôm nay (01/8), các thí sinh bắt đầu nộp hồ sơ xét tuyển nguyện vọng 1 vào các trường đại học, cao đẳng trên toàn quốc. Theo đánh giá của 2 khách mời trong chương trình, đây sẽ là khoảng thời gian mà cả thí sinh, phụ huynh và các trường đều gặp nhiều áp lực.
"Thời điểm này sẽ rất khó khăn" - thầy Võ Đức Chỉnh cho biết - “Việc đăng ký xét tuyển vào ĐH sẽ diễn ra từ ngày 1/8 đến giữa tháng. Có thể, thời gian đầu tình hình còn chưa nóng, nhưng càng đến những ngày cuối của đợt xét tuyển, các phụ huynh sẽ gặp khó khăn để theo dõi tình hình. Đây là vấn đề chúng ta cần lưu ý để chỉnh sửa trong các đợt sau".
"Đối với các trường ĐH, họ cũng khá bối rối khi tổ chức xét tuyển" - PGS.TS Lê Hữu Lập bổ sung thêm - " Các trường không biết lượng hồ sơ vào trường mình như thế nào nên sẽ có khả năng nhiều trường sẽ nhận hồ sơ từ điểm sàn. Điều này sẽ gây ra khó khăn cho thí sinh chọn trường vì các em có thể hiểu nhầm điểm sàn là điểm tuyển".
Theo đó, PGS.TS Lê Hữu Lập đã đưa ra một số gợi ý cho các thí sinh để chuẩn bị cho kỳ xét tuyển năm nay: "Thí sinh cần nghiên cứu về điểm tuyển của ngành, trường mình trong các năm trước, bởi điểm trúng tuyển khác với điểm ngưỡng đảm bảo chất lượng. Các em cần lượng sức điểm của mình và so sánh với điểm các năm trước của trường".
"Bên cạnh đó, các em cũng cần cập nhật thông tin trên website của các trường và suy nghĩ kỹ trước khi nộp hồ sơ để hạn chế rút ra, nộp vào hồ sơ nhiều lần"
Để lắng nghe kỹ hơn những gợi ý của các chuyên gia trước kỳ xét tuyển ĐH, CĐ sắp tới, mời quý vị và các bạn theo dõi video dưới đây: