Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo hướng phát triển về phẩm chất và năng lực, phát huy khả năng tự học của học sinh.
Đề án đổi mới chương trình và sách giáo khoa mới được xây dựng theo hướng coi trọng dạy người với dạy chữ, rèn luyện, phát triển cả về phẩm chất và năng lực; chú trọng giáo dục tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đạo đức, nhân cách, lối sống; phát hiện, bồi dưỡng năng khiếu và định hướng nghề nghiệp cho mỗi học sinh; tăng cường năng lực ngoại ngữ, tin học và các kỹ năng sống, làm việc trong điều kiện hội nhập quốc tế…
Nguyên tắc xây dựng chương trình, sách giáo khoa mới là đảm bảo tính tiếp nối, liên thông giữa các cấp học, các lớp học, các môn học, chuyên đề học tập và hoạt động trải nghiệm sáng tạo; đảm bảo yêu cầu giảm tải, tính thiết thực, cập nhật với xu thế giáo dục hiện đại, gắn với chương trình bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và tăng cường cơ sở vật chất, kỹ thuật của nhà trường.
Theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận, điểm khác biệt lớn nhất của chương trình sách giáo khoa mà mới mà Bộ đang thiết kế là sẽ giảm bớt các kiến thức hàn lâm, phương pháp truyền thụ một chiều như hiện nay: “Chương trình hiện hành nặng về kiến thức vì đang theo đuổi cách thức là phát triển truyền thụ kiến thức một chiều. Còn chương trình tới đây thì kiến thức sẽ nhẹ đi, những kiến thức có tính hàn lâm, không gắn với cuộc sống của các cháu, không gắn với nhu cầu hình thành phẩm chất năng lực của người lao động mới thì sẽ được cắt giảm, sẽ bổ sung nhiều hoạt động để các cháu trải nghiệm. Các cháu không chỉ nghe lời thầy cô giáo nói mà các cháu sẽ trải nghiệm qua các hoạt động thực tế, từng bước hình thành kỹ năng cần thiết”.
Lộ trình thực hiện của đề án được chia làm 3 giai đoạn từ năm 2015 đến năm 2023. Cụ thể, từ năm học 2018-2019, bắt đầu triển khai áp dụng chương trình mới, sách giáo khoa mới theo hình thức cuốn chiếu đối với mỗi cấp tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông.