Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa lên "bàn cân" Quốc hội

Theo TTXVN-Thứ năm, ngày 20/11/2014 06:00 GMT+7

Ngày 20/11, đúng vào Ngày Nhà giáo Việt Nam, Quốc hội sẽ thảo luận tại nghị trường về Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Đề án là một phần quan trọng trong việc hiện thực hóa Nghị quyết 29 của Ban chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục.

Theo ban soạn thảo đề án, việc ban hành chương trình và sách giáo khoa mới nhằm đáp ứng yêu cầu tập trung phát triển trí tuệ, thể chất, hình thành phẩm chất, năng lực công dân. Giáo dục hướng đến toàn diện nhưng vẫn đảm bảo phát hiện và bồi dưỡng năng khiếu, trang bị kiến thức nhưng vẫn bồi đắp đạo đức, lối sống, trang bị các kỹ năng như sáng tạo, tự học…

Với mục tiêu đó, đổi mới chương trình giáo dục phổ thông theo hướng tinh giản, hiện đại, thiết thực để phát triển phẩm chất và năng lực người học, vận dụng kiến thức vào thực tiễn.

Hướng tới học phổ thông theo tín chỉ

Nội dung giáo dục mới được thiết kế theo hướng tăng cường tích hợp ở giai đoạn giáo dục cơ bản, phân hoá rõ dần từ cấp tiểu học đến cấp trung học cơ sở và sâu hơn ở cấp trung học phổ thông.

Cụ thể, sẽ tích hợp cao những lĩnh vực, môn học ở tiểu học và trung học cơ sở để giảm tải, giảm tính hàn lâm, giảm số lượng môn học bằng cách lồng ghép những nội dung gần nhau của nhiều môn học vào cùng một lĩnh vực hoặc bổ sung, phát triển môn học tích hợp đã có trong chương trình hiện hành tạo thành môn học mới.

Nội dung các môn học tích hợp được thiết kế theo hướng vẫn giữ các nội dung chính của các môn học nhưng lựa chọn, lồng ghép, sắp xếp và bố trí các chủ đề, đề tài gần nhau của các môn học này để chúng bổ sung, làm sáng tỏ cho nhau trong quá trình dạy và học, hình thành các chủ đề dạy học liên môn.

Việc tích hợp còn được thực hiện ngay trong nội bộ môn học, trong đó có tích hợp các chủ đề liên quan đến thực tiễn đời sống.

Bên cạnh việc tăng cường tích hợp ở cấp một và cấp hai, chương trình mới đẩy mạnh phân hóa ở trung học phổ thông gắn với định hướng nghề nghiệp. Học sinh chỉ học ít môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc, còn lại tự chọn môn học và chuyên đề học tập theo sở trường và nguyện vọng của cá nhân trong giới hạn khả năng đáp ứng của nhà trường.

Đặc biệt, chương trình mới sẽ hướng tới việc tổ chức dạy học theo tín chỉ và xét kết quả, chuyển đổi giữa các bậc học bằng cách tích lũy tín chỉ.

Linh hoạt nội dung sách giáo khoa

Sách giáo khoa mới sẽ đảm bảo tính khả thi, linh hoạt, phù hợp với từng địa phương, từng đối tượng học sinh, từng giai đoạn phát triển và cơ sở vật chất của các trường. Đây là một trong những điểm mới hoàn toàn khác biệt với sách giáo khoa hiện hành khi chỉ có một nội dung thống nhất cho toàn bộ học sinh trên cả nước mà không tính đến yếu tố vùng miền.

Cụ thể, nội dung chương trình mới sẽ phù hợp với sự phát triển của năng lực giáo viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị giáo dục của trường phổ thông. Những trường chưa đầy đủ điều kiện, về cơ bản vẫn có thể vận dụng thực hiện chương trình mới, dù kết quả vài năm đầu có thể hạn chế. Nội dung chương trình linh hoạt cho cả trường dạy hai buổi hay một buổi trên ngày.

Chương trình cũng có sự khác biệt giữa các loại hình trường khác nhau. Trường trung học phổ thông chuyên tập trung giáo dục toàn diện đồng thời phát triển cao nhất năng khiếu riêng của mỗi học sinh. Trường trung học phổ thông kỹ thuật đảm bảo nội dung cốt lõi chương trình giáo dục phổ thông đồng thời đạt trình độ sơ cấp hoặc trung cấp nghề. Chương trình giáo dục thường xuyên (bổ túc văn hoá) đảm bảo nội dung cốt lõi chương trình giáo dục phổ thông, phát huy và phù hợp với kinh nghiệm cuộc sống và công việc của học viên.

Sự linh hoạt trong chương trình mới còn thể hiện ở việc sẽ chuyển từ việc các nhà trường thực hiện rập khuôn chương trình sang trao quyền cho các địa phương tự chủ trong việc xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường. Bên cạnh những nội dung cốt lõi và yêu cầu bắt buộc do Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng, có đến 20% thời lượng để các địa phương và nhà trường vận dụng, bổ sung những nội dung mang tính đặc thù về lịch sử, văn hóa và kinh tế, xã hội của mình.

Sẽ có nhiều bộ sách giáo khoa

Thay vì cả nước chỉ có duy nhất một bộ sách giáo khoa của Bộ Giáo dục và Đào tạo do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam in ấn như hiện nay, theo đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa, việc viết sách sẽ được xã hội hóa để có thể có nhiều bộ sách khác nhau do các tổ chức, cá nhân khác nhau viết.

Dựa trên chương trình giáo dục phổ thông và các yêu cầu, tiêu chí đánh giá sách giáo khoa do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, Bộ khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa trên cơ sở chương trình giáo dục phổ thông.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc này nhằm huy động được nhiều trí tuệ của các nhà xuất bản, các tổ chức và cá nhân có năng lực tham gia biên soạn sách giáo khoa. Từ đó sẽ tạo ra nhiều nguồn thông tin đa dạng và phong phú, nhiều cách tiếp cận, nhiều cách thức tạo ra sách giáo khoa. Điều này sẽ dẫn đến việc có nhiều sách giáo khoa phù hợp với từng vùng miền, đặc điểm của từng địa phương, tránh được hiện tượng độc quyền và tạo ra được sự cạnh tranh trong biên soạn, in ấn, phát hành, kinh doanh… sách giáo khoa.

Bộ sẽ thẩm định các sách giáo khoa này trước khi cho phép sử dụng ở các trường phổ thông. Bên cạnh đó, Bộ sẽ vẫn chủ trì biên soạn một bộ sách giáo khoa và bán dấu giá bản quyền bộ sách này.

Việc lựa chọn sách giáo khoa do các trường quyết định để phù hợp với điều kiện của mình.

Tổng kinh phí hơn 460 tỷ đồng

Theo tính toán của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tổng kinh phí thực hiện đề án dự kiến là 462 tỷ đồng. Con số này được chia làm 8 khoản chi.

Cụ thể, chi phí tập huấn cho đội ngũ biên soạn, thẩm định chương trình, sách giáo khoa (bao gồm cả lực lượng biên soạn sách giáo khoa của các tổ chức, cá nhân đăng ký biên soạn sách giáo khoa) là 13,1 tỷ đồng.

Kinh phí xây dựng, thẩm định chương trình 55,2 tỷ đồng; biên soạn bộ tài liệu hướng dẫn dạy học theo chương trình mới: 6,1 tỷ đồng; thẩm định sách giáo khoa (dự kiến bốn bộ): 46,3 tỷ đồng; nghiên cứu mô hình sách giáo khoa điện tử để từng bước biên soạn, thực nghiệm và sử dụng ở những nơi có đủ điều kiện: 10 tỷ đồng; đánh giá, điều chỉnh, hoàn thiện chương trình: 7,7 tỷ đồng; biên soạn một bộ sách giáo khoa: 321,6 tỷ đồng; biên soạn tài liệu phục vụ tập huấn giáo viên và tổ chức tập huấn cho đội ngũ cốt cán cấp tỉnh về quy trình, kỹ thuật tập huấn qua Internet: 2 tỷ đồng.

Áp dụng đổi mới đồng thời toàn bậc tiểu học

Lộ trình thực hiện đề án, từ năm 2015 đến tháng 6/2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ hoàn tất các công tác chuẩn bị. Từ năm học 2018 - 2019, triển khai áp dụng chương trình mới đồng thời từ lớp 1 đến lớp 5; cuốn chiếu theo lớp ở cấp trung học cơ sở và cấp trung học phổ thông (từ lớp 6 đến lớp 9; từ lớp 10 đến lớp 12).

Song song với quá trình triển khai đại trà, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục điều chỉnh, bổ sung để hoàn thiện chương trình và các chính sách liên quan.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước