Chuyện đỗ - trượt vào lớp 10: Nhiều con đường học sau THCS

Ban Thời sự-Thứ hai, ngày 21/06/2021 20:06 GMT+7

VTV.vn - Việc không thi đỗ vào lớp 10 công lập không có nghĩa là cánh cửa đã đóng bởi vẫn còn các mô hình đào tạo khác để học sinh lựa chọn.

Hiện đang là thời điểm học sinh thi vào lớp 10 THPT công lập của nhiều tỉnh thành vừa thi xong và chờ kết quả. Nhiều năm nay, việc thi vào lớp 10 công lập có không ít sức ép, có phụ huynh còn phát biểu rằng thi vào lớp 10 bây giờ còn áp lực hơn thi vào đại học, khi mà Đại học hiện đã có nhiều hình thức xét tuyển hơn, cánh cửa dường như cũng rộng mở hơn. Chuyện đỗ - trượt vào lớp 10 đang là nỗi lo của không ít gia đình.

Câu chuyện của một học sinh giỏi đã từng trượt lớp 10 được chia sẻ trong Gala Thay đổi vì một trường học hạnh phúc, từng được phát sóng trên kênh VTV7 sẽ cho các bậc phụ huynh và những người làm giáo dục nhiều suy ngẫm .

Chương trình này ghi hình năm 2019, khi Việt Anh đang học lớp 11. Cả 3 năm học THPT, Việt Anh (Cựu học sinh Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hà Nội) liên tục là 1 lớp trưởng xuất sắc, đầy năng lực. Hiện em đã đỗ đại học, đang theo học tại Đại học Quốc gia Hà Nội. Chuyện của Việt Anh cho thấy, chuyện đỗ, trượt vào lớp 10 thực sự đầy áp lực, bố mẹ áp lực, các em áp lực và nếu không may không đỗ, các em rất dễ bị suy sụp, nhất là ở tuổi 15, đang có nhiều xáo trộn về tâm lý.

Nhưng các bậc phụ huynh và các em học sinh và cả thầy cô có lẽ cần thay đổi tư duy cho kịp với sự thay đổi của giáo dục Việt Nam. Với sự phát triển ngày càng đầy đủ về các nghề các ngành, các cấp học theo yêu cầu của thị trường lao động và nhu cầu của người học, việc không thi đỗ vào lớp 10 công lập không có nghĩa là cánh cửa đã đóng bởi vẫn còn các mô hình đào tạo khác để học sinh lựa chọn.

Chuyện đỗ - trượt vào lớp 10: Nhiều con đường học sau THCS - Ảnh 1.

* Trường ngoài công lập

Những năm gần đây, hệ thống cơ sở giáo dục ngoài công lập phát triển mạnh, đặc biệt là ở các thành phố lớn, những nơi đông dân cư. Chất lượng dạy học của hệ thống này cũng được nâng lên nhanh chóng. Nhiều trường tư thục thậm chí đi đầu trong việc áp dụng các mô hình giáo dục hiện đại, các phương pháp dạy học tiên tiến.

Có một bộ phận học sinh thậm chí không thi tuyển vào công lập mà nộp thẳng hồ sơ vào trường ngoài công lập mà các em yêu thích. Tuy nhiên, học phí của hệ thống giáo dục ngoài công lập cao hơn hệ thống công lập, đây là 1 trong những yếu tố khiến những học sinh có điều kiện kinh tế không dư dả thường phải cân nhắc.

* Trung tâm giáo dục thường xuyên

Nếu không lựa chọn học tại các trường ngoài công lập, học sinh có thể chọn lựa học tại các trung tâm giáo dục thường xuyên. Nội dung chương trình các môn học của bậc giáo dục thường xuyên cũng giống như chương trình các môn học bình thường khác ở bậc trung học phổ thông nhưng được giảm bớt khối lượng kiến thức.

Nhiều trung tâm giáo dục thường xuyên khá năng động, bổ sung nội dung học Tiếng Anh, Tin học và mở thêm các lớp dạy nghề ngắn hạn để học sinh học song song. Nhờ đó, nhiều em ra trường có thêm cả bằng nghề. Hoàn thành xong chương trình lớp 12, người học tham gia thi tốt nghiệp THPT cùng các học sinh lớp 12 chương trình THPT chính quy. Bằng tốt nghiệp hiện nay không phân biệt giữa 2 hình thức đào tạo chính quy và giáo dục thường xuyên.

* Hệ thống trường nghề

Lựa chọn thứ ba là vào các trường nghề. Hiện nay, hệ thống trường nghề khá nhiều tại các địa phương. Học sinh có thể học song song các môn văn hóa và học nghề. Tuy nhiên, do những ý kiến chưa thống nhất giữa Bộ GD&ĐT và Bộ LĐ-TB&XH nên hiện nay, trường nghề chưa được cấp bằng văn hóa cho học sinh. Nếu muốn có bằng văn hóa, cơ sở dạy nghề phải kết nối với các trung tâm giáo dục thường xuyên.

Vì vậy, nếu muốn ra trường vừa có bằng văn hóa vừa có bằng nghề, các học sinh cần tìm hiểu kỹ về chính sách cấp bằng của trường em định theo học. Sau khi học xong trung cấp nghề, các em có thể học liên thông lên Cao đẳng nghề.

Hôm nay, kỳ thi lớp 10 đang diễn ra tại tỉnh Phú Yên, bị chậm đến chục ngày do ảnh hưởng của dịch bệnh. Năm nay cũng có một điều đặc biệt khi tỉnh Phú Yên chấp nhận phương án cho 9 trường tổ chức thi tuyển, 8 trường còn lại chỉ xét tuyển vào lớp 10 mà không tổ chức thi.

Tất nhiên, đây là phương án khác với bình thường do dịch bệnh nhưng cũng là một gợi ý liệu có thể có nhiều phương án xét tuyển thay vì chỉ thi tuyển, giảm áp lực cho thí sinh? Câu hỏi này vẫn còn bỏ ngỏ. Chúng tôi chỉ mong, khi nhận được kết quả thi, dù đỗ hay trượt, các phụ huynh và các em đều sẵn sàng các phương án và giúp các em vững vàng bước tiếp.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước