Vì sao đủ điểm đỗ đại học, nhiều học sinh vẫn quyết định vào trường nghề?

Quang Phồn, Quang Linh (Ban Thời sự)-Thứ tư, ngày 16/09/2020 19:52 GMT+7

VTV.vn - Tư duy chọn trường của học sinh giờ đã đổi khác. Với các em, tương lai là việc làm.

Tăng đột biến hồ sơ học nghề

Cách đây khoảng 10 năm, sau khi thi tốt nghiệp THPT, Đại học dường như trở thành một con đường duy nhất để tiến tới thành công chứ tuyệt nhiên không thấy có trường nghề. Nhưng mấy năm gần đây, xu hướng đã thay đổi. Năm 2020, số lượng thí sinh đăng ký học nghề đã tăng đột biến và gây ngạc nhiên cho chính các trường cao đẳng và trung cấp. Thậm chí, một số ngành đã "khóa sổ", ngưng nhận thí sinh vì hết chỉ tiêu.

Dù em trai được 22 điểm thi tốt nghiệp nhưng anh Lợi vẫn thuyết phục em đi học nghề. Từng là người thợ hàn tốt nghiệp tại đây, rồi vào công ty của Nhật tại Việt Nam và sang Nhật làm việc, anh hiểu giá trị khi có một tay nghề tốt.

Vì sao đủ điểm đỗ đại học, nhiều học sinh vẫn quyết định vào trường nghề? - Ảnh 1.

Ngay khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT, Thắng đủ điểm vào trường Đại học Lâm nghiệp Hà Nội nhưng em chọn nộp ngay hồ sơ vào Trường Cao đẳng Kỹ thuật công nghiệp Việt - Hàn, Khoa Công nghệ ô tô, một trong những nghề hấp dẫn nhất hiện nay vì sợ nộp muộn, trường hết chỉ tiêu. Thắng quyết định chọn học nghề chỉ vì đơn giản là việc làm và được bố mẹ em ủng hộ. Hầu hết thí sinh khi lựa chọn các trường đều đã xác định tương lai việc làm của mình. Tại cơ sở đào tạo này, chương trình học gắn với thực tiễn.

Tháng 6 vừa qua, một số trường nghề đã phải đóng cửa vì dịch nhưng kết quả tuyển sinh vào các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong bối cảnh cạnh tranh tuyển sinh gay gắt như hiện nay đã cho thấy chính học sinh tốt nghiệp THPT đã thay đổi, với các em - tương lai là việc làm và 90% học sinh, sinh viên tốt nghiệp trường nghề có việc làm.

Nhu cầu lao động có tay nghề ngày càng cao

Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết, tại một số trường, hồ sơ vào ngành công nghệ ô tô tăng gấp 10 lần so với chỉ tiêu, ngành cơ khí gấp 3 lần, nhiều nhóm ngành khác như công nghệ thông tin, điện tử - điện lạnh, tự động hóa, kinh tế, quản trị... có số đăng ký đều vượt chỉ tiêu. Trong bối cảnh COVID-19 kéo dài, số người mất việc ngày càng tăng mà chủ yếu là lao động phổ thông đã tác động mạnh tới học sinh vừa tốt nghiệp THPT.

Xu hướng đào tạo nghề gắn liền với việc làm

Vì sao đủ điểm đỗ đại học, nhiều học sinh vẫn quyết định vào trường nghề? - Ảnh 2.

Thay vì lựa chọn vào các trường đại học top giữa, nhiều em đã chọn học nghề chỉ đơn giản vì xác định ra trường sẽ có việc làm không chỉ ở trong nước mà cả những người có mong muốn làm việc ở nước ngoài.

Với xu hướng đào tạo nghề gắn liền với việc làm, Cộng hòa Liên bang Đức đang mở cửa các trường nghề cho lao động các nước. Với mô hình đào tạo bậc cao đẳng 3 năm tại Đức, các nghề như cơ khí, xây dựng, lái tàu hỏa… đang thu hút nhiều người trẻ từ Việt Nam.

Với mong muốn vừa có nghề và làm việc ở nước ngoài, anh Mạnh đã tìm hiểu tại nhiều nơi. Cuối cùng, anh quyết tâm nộp hồ sơ vào trung tâm Thành Công - đơn vị đã hỗ trợ cho hàng trăm hồ sơ học nghề tại Cộng hòa Liên bang Đức. Để đáp ứng nhu cầu học tập và làm việc tại Đức, anh Mạnh cùng các ứng viên sẽ mất 12 tháng học tiếng và thực hành nghề tại một số cơ sở trong nước.

Thiếu công nhân kỹ thuật có tay nghề cao đã trở thành thách thức cho đại đa số các doanh nghiệp Đức. Riêng với ngành lái tàu tại Đức, mỗi năm cần 5.000 thợ lái tầu mới trong khi số người Đức muốn học nghề này rất ít. Và mỗi năm, MEV - một trong những tập đoàn đường sắt lớn nhất tại CHLB Đức kỳ vọng mỗi năm tuyển được ít nhất 100 lái tàu từ Việt Nam.

Từ tháng 8/2020, CHLB Đức đã cho phép cấp thị thực cho công dân Việt Nam sang Đức theo diện du học nghề với tất cả ngành nghề. Sau khi đạt chứng chỉ ngoại ngữ và thực hành sau 1 năm đào tạo trong nước, các học viên sẽ sang Đức học nghề 3 năm và nếu thi đỗ bằng lái tàu của Đức, họ được ở lại làm việc lâu dài tại đây với mức lương từ 3.200 EUR/tháng - tương đương 83 triệu đồng/tháng.

Dĩ nhiên nếu có năng lực thực sự, đại học vẫn là một cơ hội tốt để phát triển về sau này. Nhưng khi bạn hiểu khả năng mình ở đâu, học nghề cũng có thể thành công hơn nhiều người học đại học. Một số lợi thế của việc học nghề có thể kể tới gồm:

- Thời gian học ngắn hơn.

- Bạn được đào tạo cầm tay chỉ việc.

- Tiết kiệm thời gian.

- Khả năng có việc làm ngay rất cao, thậm chí là có khả năng đi làm việc ở nước ngoài với mức lương hơn trong nước.

Học nghề ra để làm chủ: Tại sao không? Học nghề ra để làm chủ: Tại sao không? Học viên trường nghề: Cung không đủ cầu Học viên trường nghề: Cung không đủ cầu Học nghề sau khi tốt nghiệp THCS: Thêm con đường lập nghiệp cho giới trẻ Học nghề sau khi tốt nghiệp THCS: Thêm con đường lập nghiệp cho giới trẻ

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước