Giữa mảnh đất Gia Lai, ngôi làng ấy có tên gọi Buk Blui, nơi từng được coi là một ốc đảo. Người ta sợ nơi này. Những người sống gần đó không dám uống nước ở con suối nơi người làng Buk Blui uống, họ không dám cày cấy ở trên mảnh đất người làng Buk Blui làm và họ cũng không dám để con mình đi học cùng những đứa trẻ con người làng Buk Blui. Và đã có một người phụ nữ nhỏ bé đã góp phần làm ngôi làng ấy thay đổi…
"Ngày xưa còn nhỏ, thích đi học, thích biết con chữ, con số nhưng khi đi xin thì làng xung quanh họ không cho, họ sợ bị lây bệnh này cho con cháu người ta. Ngay cả thấy đường đi của người Buk Blui, họ cũng nhảy qua, họ không đi. Xung quanh, họ làm ruộng, làm lúa ở dưới nhưng bà con làng Buk Blui đi tắm là họ không cho", ông Rơ Chăm Ruen – Trưởng thôn Buk Blui chia sẻ.
Hàng đêm, khi núi rừng Tây Nguyên đã chìm trong bóng đêm, vẫn có những ngọn đuốc sáng, dẫn lỗi cho những bước dân đến với lớp học xóa mù chữ ở làng phong Buk Blui.
Vào những năm 80 thế kỷ trước, người dân các xã lân cận và cả các làng trong xã Ia Ka chỉ cần nhắc tới tên Buk Blui là họ đã sợ. Không cầm lòng được trước cảnh những đứa trẻ nơi đây bị thất học, năm 1989, cô giáo Siu'H Jel đã để lại con trai cho mẹ chăm sóc và lặn lội tới ở hẳn trong làng, cùng dân làng chống cái đói và dạy cho người dân trong làng những chữ đầu tiên.
"Hồi ấy mẹ tôi cũng có nói nếu con đi thì ai coi con của con đi học. Tôi nói – Mẹ ơi, trong đó các cháu đông người dễ thương lắm! Mẹ cho con đi đi. Con vẫn làm rẫy mà, vẫn làm ruộng mà, có gạo, có lúa con gửi lại cho mẹ và con của con ở đây, mẹ cứ yên tâm đi. Xong thì mẹ đồng ý, cho tôi vào đây", cô Jel kể.
Thời ấy, không có tiền lương, không có phụ cấp, làng lại nghèo đói, nhưng mọi khó khăn dường như không ngăn cản được khát khao biết chữ của dân làng Buk Blui. Cô Jel đi khắp các xã xin sách về cho học sinh. Không có dụng cụ dạy, cô lấy lá cây làm bàn tính, dưới tán cây là lớp học.
Nhớ về thời điểm khi mới quyết định đến làng Buk Blui, cô nói: "Bố tôi cũng từng bị phong, bệnh đó không lây nên tôi quyết định để lại con cho mẹ nuôi và vào trong đó dạy các con biết đọc biết viết".
"Hồi ấy làng đó rất khó khăn. Khi vào trong đó, người dân rất thương tôi và làm cho tôi một cái nhà chòi nho nhỏ bằng nứa và tre và tôi dạy các cháu học chữ ở đó. Thời đó khó khăn, không có dụng cụ dạy, chỉ dùng lá cây".
Sau hơn 30 năm, lớp học tre nứa giờ đã được thay bằng lớp học khang trang hơn. Khoảng cách giữa những đứa trẻ làng Buk Blui với các bạn đồng trang lứa cũng đã bị xóa bỏ. Chúng cùng nhau đến trường, lên lớp. Cuộc sống của dân làng Buk Blui đã thay da đổi thịt nhưng ở đó vẫn có một bóng không thay đổi, đó là cô giáo Hơ Jel, vẫn ngày ngày đến với dân làng Buk Blui. Không chỉ lau cho họ những vết thương thể xác, cô còn xóa bỏ nỗi mặc cảm hằn sâu trong cuộc đời họ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!