GS.TS Nguyễn Minh Thuyết - Tổng Chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mới.
Nghị quyết 88 của Quốc hội quy định: "Giáo dục phổ thông 12 năm, gồm hai giai đoạn giáo dục: giai đoạn giáo dục cơ bản (gồm cấp tiểu học 5 năm và cấp trung học cơ sở 4 năm) và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (cấp trung học phổ thông 3 năm). Giáo dục cơ bản bảo đảm trang bị cho học sinh trí thức phổ thông nền tảng, đáp ứng yêu cầu phân luồng mạnh sau trung học cơ sở. Giáo dục định hướng nghề nghiệp bảo đảm học sinh tiếp cận nghề nghiệp, chuẩn bị cho giai đoạn học sau phổ thông có chất lượng.
Ở cấp tiểu học và cấp trung học cơ sở, thực hiện lồng ghép những nội dung liên quan với nhau của một số lĩnh vực giáo dục, một số môn học trong chương trình hiện hành để tạo thành môn học tích hợp; thực hiện tinh giản, tránh chồng chéo nội dung giáo dục, giảm hợp lý số môn học. Ở cấp trung học phổ thông, yêu cầu học sinh học một số môn học bắt buộc, đồng thời được tự chọn các môn học và chuyên đề học tập theo hình thức tích lũy tín chỉ".
Theo quy định này, chương trình mới thực hiện giáo dục toàn diện, tích hợp ở các cấp tiểu học và THCS, thực hiện giáo dục phân hóa và tự chọn ở cấp THPT.
Giải thích về vấn đề này, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết - Tổng Chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mới - cho hay: "Theo chương trình giáo dục phổ thông hiện nay, học sinh phải học nhiều môn, vừa quá tải, vừa không có điều kiện tập trung vào những môn học phù hợp với định hướng nghề nghiệp. Do đó, chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mới thực hiện giáo dục toàn diện, tích hợp ở các cấp tiểu học và THCS, thực hiện giáo dục phân hóa và tự chọn ở cấp THPT".
GS.TS Nguyễn Minh Thuyết cho biết thêm, trong Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đưa ra 3 loại hoạt động: hoạt động khám phá vấn đề, hoạt động luyện tập và hoạt động thực hành. Các hoạt động được thực hiện với sự hỗ trợ của đồ dùng học tập và công cụ khác, đặc biệt là công cụ tin học và các hệ thống tự động hóa của kỹ thuật số.
"Môn Khoa học tự nhiên tích hợp liên môn như Vật lý, Hóa học, Sinh học, thực hiện theo Nghị quyết của Đảng và Quốc hội. Cùng với việc tích hợp này, về vấn đề dạy học, trong giai đoạn trước mắt, giáo viên môn nào vẫn giảng dạy môn đó, giáo viên đã được tập huấn tốt sẽ dạy tích hợp, chuyên đề tích hợp. Về lâu dài, Bộ GD&ĐT đổi mới chương trình đào tạo tại các trường sư phạm", GS.TS Nguyễn Minh Thuyết cho hay.
Ngoài ra, Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới cũng giải thích rõ hơn về các môn học như Giáo dục kinh tế và pháp luật, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo, Chuyên đề học tập: "Giáo dục kinh tế và pháp luật thực chất là môn Giáo dục công dân nhưng được đổi tên để trở nên gần gũi, xác thực hơn. Ở cấp Tiểu học trước đây là Giáo dục đạo đức nay thành Giáo dục lối sống, ở cấp THCS vẫn là Giáo dục công dân (giáo dục về pháp luật, đạo đức, nếp sống…), còn cấp THPT là Giáo dục kinh tế và pháp luật để chuẩn bị cho các học sinh đăng ký xét tuyển vào các trường đại học: khối pháp luật, hành chính, công an, quân đội…
Môn Hoạt động trải nghiệm sáng tạo được hiểu vắn tắt là thực hành, vận dụng kiến thức vào việc nghiên cứu, ứng dụng, hoạt động xã hội phục vụ cộng đồng. Do đó, giáo viên không chỉ dạy lý thuyết mà phải dạy học sinh thực hành, ứng dụng. Hoạt động trải nghiệm sáng tạo không chỉ vận dụng từng môn mà tổng hợp nhiều môn để giải quyết vấn đề trong cuộc sống.
Hoạt động trải nghiệm sáng tạo đang được vận dụng tốt ở nhiều trường THPT. Tại ngày hội Trải nghiệm sáng tạo ở trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP Nam Định, thầy và trò đã thực hiện khá tốt. Ví dụ, trong việc hướng dẫn trồng cây thì phải chọn trồng cây gì để phù hợp thổ nhưỡng, khí hậu, lấy hạt giống ở đâu, điều kiện như thế nào để cây sống được, làm giàn như nào… Qua đó, các em phải học kiến thức các môn và kiến thức xã hội để vận dụng.
Chuyên đề học tập là nội dung học tập có tính tích hợp, ứng dụng liên quan đến kinh tế, xã hội, văn hóa, lịch sử địa phương. Mỗi chuyên đề này được giảng dạy trong 15 tiết và học sinh chọn 1 trong những chuyên đề này để học".
Ngoài ra, môn Tiếng dân tộc thiểu số được bổ sung vào danh sách môn học tự chọn từ cấp Tiểu học đến hết bậc THPT từ năm 2018. Ở cấp tiểu học còn có hoạt động Tự học có hướng dẫn, tức là, tự học trên lớp của học sinh tiểu học học 2 buổi/ngày, có sự hướng dẫn, giúp đỡ của giáo viên.
Theo dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, các môn học và hoạt động giáo dục trong nhà trường áp dụng các phương pháp tích cực hóa hoạt động của người học, trong đó giáo viên đóng vai trò tổ chức, hướng dẫn hoạt động cho học sinh, tạo môi trường học tập thân thiện và những tình huống có vấn đề để khuyến khích học sinh tích cực tham gia vào các hoạt động học tập, tự phát hiện năng lực, nguyện vọng của bản thân, rèn luyện thói quen và khả năng tự học, phát huy tiềm năng và những kiến thức, kỹ năng đã tích lũy được để phát triển.
Các hoạt động học tập của học sinh bao gồm hoạt động khám phá vấn đề, hoạt động luyện tập và hoạt động thực hành, ứng dụng những điều đã học để phát hiện và giải quyết những vấn đề có thực trong đời sống, được thực hiện với sự hỗ trợ của đồ dùng học tập và công cụ khác, đặc biệt là công cụ tin học và các hệ thống tự động hóa của kỹ thuật số.
Các hoạt động học tập nói trên được tổ chức trong và ngoài khuôn viên nhà trường thông qua một số hình thức chủ yếu sau: học lý thuyết; thực hiện bài tập, thí nghiệm, trò chơi, đóng vai, dự án nghiên cứu; tham gia thuyết trình, tham quan, cắm trại, đọc sách; sinh hoạt tập thể, hoạt động phục vụ cộng đồng.
Tùy theo mục tiêu cụ thể và mức độ phức tạp của hoạt động, học sinh được tổ chức làm việc độc lập, làm việc theo nhóm hoặc làm việc chung cả lớp. Tuy nhiên, dù làm việc độc lập, theo nhóm hay theo đơn vị lớp, mỗi học sinh đều phải được tạo điều kiện để tự mình thực hiện nhiệm vụ học tập và trải nghiệm thực tế.
Một số môn học mới ở các cấp học: Giáo dục lối sống, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo, Công nghệ và Hướng nghiệp, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Thiết kế và Công nghệ, Chuyên đề học tập...
* Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam!