Đây được xem là cơ sở pháp lý để quản lý, điều tiết giám sát công việc này. Vậy ý kiến của các phụ huynh và nhà trường như thế nào?
Nhiều phụ huynh lo ngại đưa dạy thêm, học thêm vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện càng gây áp lực, quá tải cho học sinh. Khi dạy thêm trở thành mục đích kinh doanh sẽ kèm theo tập trung quá mức về lợi nhuận gây ra hệ lụy tiêu cực, thay vào đó cần tập trung nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông, giảm tải chương trình học, tạo điều kiện cho học sinh học tập tốt trong nhà trường.
"Nhiều thầy, cô quan niệm trên lớp dạy sơ sài, còn mọi thứ trong học thêm. Cái đó mang tính kinh doanh, hơi phản giáo dục", một phụ huynh nêu quan điểm.
Nhiều phụ huynh lo ngại đưa dạy thêm, học thêm vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện càng gây áp lực, quá tải cho học sinh. (Ảnh minh họa - Ảnh: NLĐ)
Ở phía ủng hộ việc đưa dạy thêm là ngành nghề kinh doanh có điều kiện cho rằng đề xuất này giúp giảm vấn nạn dạy thêm tràn lan, đảm bảo học sinh được học đúng nơi, đúng thầy. Đồng thời, đối với sự khác biệt về năng lực mỗi học sinh, học thêm là cần thiết, đặc biệt đối với các môn chính, nhằm đáp ứng mục tiêu cá nhân trong học tập.
"Tôi tán thành ý kiến rằng học thêm phải có tổ chức công khai, minh bạch, dạy có nơi có chỗ", một phụ huynh nêu ý kiến.
Ở góc độ quản lý giáo dục, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Chí Thanh, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh, cho rằng nên cấp phép cho trung tâm dạy thêm thay vì cho cá nhân giáo viên để tránh việc học sinh chọn học thêm vì điểm số.
"Theo tôi nghĩ thầy dạy bằng cái tâm, trò học theo nhu cầu chính đáng, tôi cho rằng dạy thêm vẫn là một nghề được xã hội quan tâm, trân trọng", ông Hoàng Sơn Hải, Hiệu trưởng THPT Nguyễn Chí Thanh, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh, nhận định.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!