Năm 2022, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) mở nhiều ngành khi chưa đủ điều kiện tự chủ. (Ảnh: FB nhà trường)
Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa ra kết luận với các trường: Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh), Trường Đại học Hoa Sen (TP Hồ Chí Minh), Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng (TP Hồ Chí Minh) và Đại học Thủ Dầu Một (Bình Dương). Cụ thể như sau:
Trong năm 2022, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) mở nhiều ngành khi chưa đủ điều kiện tự chủ là chưa đúng quy định.
Cụ thể, Hiệu trưởng ký ban hành quyết định mở 3 ngành trình độ đại học (Quản trị văn phòng, Quản trị giáo dục, Tâm lý học giáo dục), 2 ngành trình độ thạc sĩ (Giáo dục học, Báo chí học) và 1 ngành trình độ tiến sĩ (Việt Nam học) sử dụng dấu của trường là chưa đúng quy định.
Thanh tra Bộ phát hiện, trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn ban hành quyết định mở ngành Hàn Quốc học trình độ thạc sĩ và đại học khi chưa được công nhận đạt chuẩn kiểm định.
Thanh tra Bộ cũng chỉ ra sai sót trong văn bản chỉ đạo của Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh khi giao cho các trường thành viên ban hành quyết định mở ngành; trong khi các trường này lúc đó chưa đủ điều kiện tự chủ, vi phạm quy định Luật Giáo dục đại học.
Trường Đại học Hoa Sen không tổ chức tuyển sinh hoặc không tuyển được 6 ngành từ năm học 2021-2022, gồm Quản lý tài nguyên môi trường, Mạng máy tính và truyền thông dữ liệu, Công nghệ thực phẩm, Quản trị văn phòng, Hoa Kỳ học, Bảo hiểm. Trường còn ngừng tuyển 4 ngành nữa, gồm Nhật Bản học, Luật Quốc tế, Bất động sản, Hệ thống thông tin quản lý.
Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng phải ngừng tuyển 7 ngành từ năm học trước, gồm Giáo dục thể chất, Thiết kế thời trang, Quản lý công nghiệp, Kỹ thuật xây dựng, Trung Quốc học, Hàn Quốc học, Nhật Bản học.
Trường Đại học Thủ Dầu Một dừng tuyển 11 ngành từ năm 2022 gồm Lịch sử, Văn học, Văn hóa học, Toán kinh tế, Chính trị học, Địa lý học, Quốc tế học, Sinh học ứng dụng, Vật lý học, Đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm, Quản lý đô thị. Năm 2023, trường cũng dừng tuyển sinh hai ngành là Quản lý văn hóa và Quản lý công.
Với ngành Quản lý công của Trường Đại học Thủ Dầu Một, trong hồ sơ mở ngành, trường cho biết đã khảo sát, nhận thấy 47 đơn vị ở Bình Dương cần tuyển 250 nhân sự mà ở tỉnh chưa có trường đào tạo ngành này. Trường nhận định nhu cầu nhân lực ngành Quản lý công ở các khu công nghiệp, đơn vị hành chính, tổ chức phi chính phủ tăng. Tuy nhiên, trường vừa mở ngành năm 2022 thì đã phải dừng tuyển sinh ngay năm sau.
Kết luận Thanh tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ rõ những sai phạm của Học viện Nông nghiệp Việt Nam trong việc mở ngành Luật, chưa bảo đảm quy định tối thiểu 3 tiến sĩ liên quan ngành học này. Theo đó, Học viện Nông nghiệp Việt Nam mở ngành Luật có đủ đội ngũ giảng viên cơ hữu, nhưng chưa bảo đảm có tối thiểu ba tiến sĩ với ngành học thuộc lĩnh vực pháp luật. Theo thanh tra Bộ, trách nhiệm để xảy ra sai phạm này thuộc về Giám đốc, Phó Giám đốc phụ trách chuyên môn và các bộ phận quản lý ngành của nhà trường.
Kết luận Thanh tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo đối với Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội như sau: Trường tự rà soát, đánh giá về điều kiện bảo đảm ngành đào tạo, đối với các ngành đào tạo không bảo đảm điều kiện, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đã chủ động đóng ngành, dừng tuyển sinh.
Số lượng đội ngũ giảng viên cơ hữu có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ bảo đảm ngành phù hợp tham gia giảng dạy ở các ngành: Du lịch; Công nghệ vật liệu Dệt, may; Thiết kế thời trang còn hạn chế. Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu rõ: Trách nhiệm để xảy ra hạn chế trên thuộc về Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng phụ trách chuyên môn và các bộ phận quản lý đào tạo.
Trao đổi bên lề hội nghị tuyển sinh hồi tháng 3, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, khi mở ngành mới, các trường phải xác định đó có phải là những ngành phù hợp với xu hướng, nhu cầu của xã hội ở hiện tại và tương lai không. Điểm quan trọng nữa là trường phải có đủ năng lực để đảm bảo chất lượng.
Các trường phải công khai, minh bạch mọi dữ liệu tuyển sinh (từ đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất, chương trình, các phương thức xét tuyển) để thí sinh lựa chọn. Hiện nay, Bộ GD&ĐT quản lý việc tuyển sinh, mở ngành của các trường thông qua những dữ liệu này, đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra sau mỗi mùa tuyển sinh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!