Ảnh minh họa.
Thay vì làm hồ sơ đăng ký chọn trường, chọn ngành ĐH, CĐ vào tháng 4 hàng năm như trước đây, từ năm sau, thí sinh chỉ đăng ký trước xem mình có thi đại học hay không? Sau đó, thí sinh dự thi, có kết quả rồi mới đăng ký tuyển sinh vào các trường.
Một khác biệt nữa trong công tác tổ chức thi là sự xuất hiện của hai loại hình cụm thi. Một loại hình dành cho những học sinh có nhu cầu vào ĐH, CĐ. Loại hình này do các trường đại học chủ trì tổ chức coi thi, chấm thi để đảm bảo sự tin cậy. Còn loại hình cụm thi thứ 2 dành cho những thí sinh chỉ muốn thi tốt nghiệp. Các em sẽ thi ở cụm do địa phương chủ trì. Cách làm này hiện nay đang gây nhiều tranh cãi.
Bên cạnh đó, còn nhiều tình huống, nhiều vấn đề được đặt ra trong công tác tổ chức như: Nếu các trường ĐH “top” dưới thiếu nguồn tuyển, họ gửi giấy gọi nhập học cả những thí sinh thi ở cụm địa phương, chúng ta có quyền ngăn cản các em đi học? Có tổ chức thi lại cho những thí sinh trượt tốt nghiệp hay không? Trường đại học nào sẽ được giao chủ trì cụm thi? Liệu những trường đó có thực sự đủ năng lực để tổ chức kỳ thi với số lượng thí sinh đông đảo hơn gấp nhiều lần mọi năm?...
Những băn khoăn của giáo viên, các nhà quản lý giáo dục trên hoàn toàn chính đáng, vì sự thay đổi của kỳ thi này quyết định tương lai của cả một thế hệ và ảnh hưởng tới sự phát triển của cả đất nước trong những năm tới.
Vì vậy, Bộ GD-ĐT cần sớm có những nghiên cứu và giải đáp hợp lý để đảm bảo kỳ thi diễn ra thuận lợi, khoa học, hiệu quả và đáp ứng được đòi hỏi của xã hội.
Mời quý vị theo dõi ghi nhận của nhóm phóng viên VTV qua VIDEO sau đây: