Đào tạo hướng nghiệp từ thời điểm nào?

Hiền Trần-Thứ tư, ngày 18/09/2024 15:31 GMT+7

Lao động tìm hiểu vị trí việc làm qua hình thức trực tuyến.

VTV.vn - Việt Nam đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động có trình độ cao trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là kỹ thuật, công nghệ thông tin và sản xuất công nghiệp.

Tại phiên giao dịch việc làm trực tuyến kết nối 9 tỉnh, thành phố phía Bắc do Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tổ chức đầu 2024, gần 80% vị trí tuyển dụng yêu cầu trình độ cao đẳng, đại học và công nhân kỹ thuật, trung cấp. Trong khi đó, đề cập trong bản tin thị trường lao động quý IV.2023 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho thấy, tính đến hết năm 2023, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt gần 70% song tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ mới đạt từ 27 - 27,5%.

Tại Autrailia, Theo thống kê của Cục Thống kê Australia (Australian Bureau of Statistics - ABS), tỷ lệ nhân sự có chứng chỉ nghề hoặc trình độ tương đương ở Úc khá cao. Gần 60% người lao động Úc có trình độ giáo dục sau trung học (bao gồm chứng chỉ nghề, bằng cao đẳng và đại học). Trong đó có khoảng 30% có chứng chỉ nghề hoặc bằng cao đẳng (Certificate III/IV, Diploma, Advanced Diploma), 30% còn lại có bằng đại học hoặc trình độ cao hơn (Cử nhân, Thạc sĩ, Tiến sĩ).

Điều này cho thấy chứng chỉ nghề (VET - Vocational Education and Training) đóng vai trò quan trọng trong lực lượng lao động của Úc, với một tỷ lệ lớn người lao động chọn con đường này thay vì học đại học.

Tại Việt Nam, quan điểm là để có công việc tốt, "bắt buộc" phải học đại học sau khi tốt nghiệp THPT, dù phải chọn học ngành không yêu thích hoặc thậm chí không rõ việc học để định hướng cho nghề nghiệp gì. Nếu cánh cửa vào đại học thất bại, thì đa phần sẽ dừng luôn việc học hoặc chọn làm các công việc tự do. Kết quả là, việc làm kỹ thuật cần tay nghề cao thì thiếu trầm trọng, và nhiều sinh viên ra trường cũng loay hoay tìm việc hoặc xin làm một công việc không liên quan tới chuyên ngành đào tạo. Các doanh nghiệp vì thế lại mất thời gian đào tạo lại từ đầu hoặc mất thêm chi phí tuyển dụng.

Bài toán cung cầu lao động, vì thế vẫn mãi chưa tìm được lời giải. Bước đầu tiên để tìm ra hướng giải quyết cho bài toán này, đó là vấn đề nhận thức.

Thứ nhất, đào tạo nghề, đào tạo trung cấp kỹ năng cũng là các chứng nhận có giá trị tương đương bằng cử nhân trên thị trường việc làm, đặc biệt hơn, đào tạo nghề giúp học viên được kèm cặp, đào tạo và tiếp cận với trang thiết bị, máy móc trực tiếp, và có thể làm việc ngay sau khi tốt nghiệp.

Thứ hai, là mức lương, mức đãi ngộ và cơ hội phát triển nghề nghiệp của những ngành cần kỹ năng tay nghề so với những ngành đào tạo mang tính hàn lâm hiện nay ngang bằng hoặc thậm chí cao hơn mức lương trung bình. Ví dụ, thợ cơ khí, điện lạnh, kỹ thuật viên có chứng chỉ nghề tại Việt Nam mức lương có thể đạt 12-20 triệu đồng/tháng, tương đương 1,2-2 lần mức lương trung bình. Cơ hội nghề nghiệp đối với kỹ thuật viên có tay nghề cũng rộng mở khi khi nhu cầu nhân sự kỹ thuật có tay nghề không chỉ giới hạn thị trường trong nước, mà cả ở các nước phát triển như Australia, Hàn Quốc, Nhật Bản, cơ hội việc làm cũng rộng mở. Đặc biệt chính phủ Úc cấp rất nhiều các loại visa tay nghề để thu hút lao động tay nghề cao từ các nước thứ ba, trong đó nổi bật là các ngành như y tế và chăm sóc sức khỏe (với tỉ lệ bảo lãnh visa 20-25%), Công nghệ thông tin (tỉ lệ bảo lãnh 15-20%) …

Thứ ba, thời gian đào tạo nghề ngắn hơn, đồng nghĩa học viên có thời gian sớm tham gia vào thị trường việc làm, hoặc có thêm thời gian học thêm các kỹ năng mềm như ngoại ngữ, giúp cơ hội thăng tiến làm quản lý hoặc tăng thu nhập. Tại Australia, mức thu nhập khá cao cho lao động nhập cư tay nghề cao, cộng với các chính sách như bảo lãnh người thân, chính sách cho thường trú nhân, chính sách chăm sóc sức khỏe giúp thu hút nhiều lao động lành nghề. Chẳng hạn, mức thu nhập 1 năm của điều dưỡng viên là từ 70.000 AUD đến 95.000 AUD, thợ điện từ 70.000 đến 100.000 AUD, đầu bếp khoảng 55.000 đến 75.000 AUD…

Để có thể cải thiện vấn đề tiếp cận với các thông tin đào tạo nghề, việc đào tạo hướng nghiệp nên bắt đầu từ cấp trung học. Và công tác đào tạo nên được coi là một học phần bắt buộc cho học sinh, với cấu trúc nội dung đào tạo rõ ràng, chuyên sâu, chẳng hạn như:

Đánh giá bản thân: Tìm hiểu sở thích, kỹ năng, và tính cách của học sinh thông qua các bài trắc nghiệm hướng nghiệp.

Thông tin về nghề nghiệp: Cung cấp kiến thức về các ngành nghề, yêu cầu công việc, triển vọng nghề nghiệp, và điều kiện làm việc.

Kỹ năng lập kế hoạch nghề nghiệp: Hướng dẫn cách xây dựng mục tiêu, lập kế hoạch học tập và công việc.

Kỹ năng mềm: Bao gồm kỹ năng giao tiếp, ngoại ngữ, làm việc nhóm, quản lý thời gian, và giải quyết vấn đề.

Trải nghiệm thực tế: Tổ chức các buổi tham quan, thực tập, hội thảo với các chuyên gia, hoặc chương trình mentor.

Tại các quốc gia phát triển, việc đào tạo hướng nghiệp sẽ bao gồm công tác tham vấn và tư vấn cá nhân, nơi mỗi trường học đều có các chuyên gia tư vấn nghề nghiệp, thậm chí cho phép học sinh học nghề từ sớm, đồng thời cung cấp chứng chỉ kỹ năng.

Thiết nghĩ, tại Việt Nam, việc đào tạo hướng nghiệp từ cấp trung học phổ thông là điều cần thiết, để học sinh có định hướng nghề nghiệp phù hợp thời đại, sở thích và năng lực, cũng đồng thời giúp phân bổ lại bản đồ lao động phù hợp với nhu cầu phát triển của các doanh nghiệp và nền kinh tế.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước