9+ là mô hình các em học sinh tốt nghiệp THCS nhưng sau đó không học cấp 3 tại trường công mà vào học văn hóa và nghề tại các trường nghề. Vấn đề ở chỗ, khi các em muốn thi tốt nghiệp THPT phải về các trung tâm giáo dục thường xuyên để học văn hóa. Trong khi đó, nhiều trường nghề đã bố trí đầy đủ điều kiện về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên để có thể học văn hóa ngay tại đây. Như vậy, nguy cơ lãng phí một nguồn lực rất lớn đang đặt ra cho các trường nghề.
Ghi nhận tại Trường Cao đẳng Nghề công nghiệp Thanh Hóa, 40 học sinh lớp 11 vừa trở lại trường. Chỉ nốt học kỳ này, các em sẽ không còn học tại đây bởi trường sẽ dừng dạy văn hóa. Nhiều học sinh còn chưa biết sang năm lớp 12 sẽ học ở đâu. Khi quyết định theo học tại đây, các em đều xác định ra trường có 2 bằng văn hóa và học nghề để sớm có việc làm và tự lập.
Để đảm bảo cho các em vừa tốt nghiệp THCS vừa học văn hóa vừa học nghề một cách tập trung, trường đã bố trí riêng một khu giảng đường với đầy đủ phòng học, phòng chức năng và tuyển 50 giáo viên, mua sắm trang thiết bị để dạy hơn 1.000 học viên hệ 9+. Tuy nhiên, việc dừng dạy văn hóa tại đây sẽ đẩy nhiều giáo viên thất nghiệp và lãng phí cơ sở vật chất.
Không học văn hóa ngay tại trường nghề mà muốn được dự thi tốt nghiệp THPT thì phải về các trung tâm giáo dục thường xuyên để học, quy định này đang đẩy học sinh và nhiều trường vào thế khó. Trong trường hợp phải dừng dạy văn hóa, các trường sẽ liên kết với trung tâm giáo dục thường xuyên để đảm bảo quyền lợi cho học sinh.
Hiện cả nước có hơn 300.000 học sinh tốt nghiệp THCS đang vừa học văn hóa vừa học nghề. Thay vì phải kéo dài thời gian học tập, chỉ sau 3 năm vừa học văn hóa, vừa học nghề, các em có thể bước chân vào thị trường lao động với đầy đủ kỹ năng của người thợ trình độ trung cấp. Tuy nhiên, quy định mới của một số tỉnh có thể gây khó khăn cho quá trình này của các em
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!