Để ôn thi hiệu quả môn Lịch sử

Theo Tư vấn tuyển sinh-Thứ ba, ngày 21/01/2014 07:00 GMT+7

Sau đây là một số bí quyết học và làm bài thi môn Lịch sử một cách tốt nhất trong kỳ thi đại học năm nay.

Khái quát và nắm chắc nội dung sách giáo khoa

Điều đặc biệt cần ghi nhớ là tất cả những nội dung đã được đưa vào sách giáo khoa đều quan trọng như nhau, các em cần phải nắm chắc. Bỏ bất kì một nội dung nào cũng đều làm kiến thức của các em bị thiếu hụt, dẫn đến nhận thức vấn đề không chắc.

Các em cần học cách khái quát các giai đoạn lịch sử theo “sơ đồ cây tư duy”. Tiếp theo, phân chia các giai đoạn lịch sử với tên gọi và những đặc điểm riêng của từng giai đoạn. Tiếp đó, với mỗi giai đoạn, các em lại đi sâu nắm những nội dung và sự kiện chính, có ý nghĩa quan trọng.
 

Để nhớ lâu, khi ôn thi Lịch sử cần phải viết ra giấy dưới dạng đề cương. Nếu học sinh hiểu bài, viết ra được các ý và nhớ các sự kiện theo trình tự, logic, móc xích thì sẽ không bao giờ quên bài. Tránh học theo kiểu chỉ ôm sách đọc lơ mơ, gây cảm giác mệt mỏi, chán nản, không tập trung.

Học theo từng sự kiện cụ thể

Khi ôn thi môn Sử, cách tốt nhất để nhanh thuộc bài và lâu quên là học theo từng chủ đề cụ thể. Việc học một chuỗi những sự kiện lan man, vô định sẽ khiến bạn cảm thấy rối trí. Với mỗi nội dung học, học sinh phải nắm được những sự kiện chính và trả lời được các câu hỏi: diễn ra ở đâu, thời gian nào, diễn ra làm sao và ý nghĩa của sự kiện như thế nào?

Ví dụ: Đề thi hỏi về chiến dịch Biên giới năm 1950, các em phải bám sát và trả lời được các câu hỏi: âm mưu thủ đoạn của địch là gì? chủ trương kế hoạch của ta? diễn biến, kết quả và ý nghĩa?

Xâu chuỗi các sự kiện liên quan

Rất nhiều người nghĩ học Lịch sử chỉ đơn thuần là học thuộc, đó là một quan niệm sai lầm. Học thuộc nhưng phải trên cơ sở là phải hiểu, phải xâu chuỗi được các sự kiện thành một câu chuyện lịch sử, có trình tự, có nguyên nhân – kết quả và ảnh hưởng của nó. Các sự kiện lịch sử thường có liên quan logic với nhau, sự kiện này là nguyên nhân dẫn đến sự kiện kia. Do đó, nếu các bạn học cả một chuỗi sự kiện có liên hệ với nhau trong cùng một giai đoạn lịch sử, thì sẽ thấy hấp dẫn, thú vị và nhớ có hệ thống hơn. Còn nếu học kiểu nhảy cóc, học vẹt, thiếu sự liên kết thì rất khó nhớ.

Ví dụ: Diễn biến của cách mạng Việt Nam từ 1939 đến 1945 xoay quanh 4 sự kiện lớn là: Hội nghị Trung ương 6 (11/1939), Hội nghị Trung ương 8 (5/1941), Hội nghị Ban thường vụ TW Đảng 12/3/1945 (ra chỉ thị Nhật – Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta) và cuối cùng là Hội nghị toàn quốc của Đảng (13-15/8/1945)….

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước