Thí sinh cần theo dõi các điểm mới về thi 2015 trên phương tiện thông tin đại chúng (Ảnh minh họa)
Trước đây, ĐH Quốc gia Hà Nội dự kiến tổ chức hai đợt thi tuyển sinh vào tháng 5 và tháng 7, nay điều chỉnh lại thành tháng 5 và tháng 8.
Trao đổi với báo chí, lãnh đạo Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐH QGHN) cho biết, ngoài điểm thi ở Hà Nội, dự kiến sẽ đặt một số điểm thi tại Thái Nguyên, Hải Phòng, Nghệ An, Đà Nẵng... Thí sinh thi xong chỉ sau 3 ngày, ĐH QGHN sẽ công bố điểm sau khi rà soát chính xác vì không ai có thể can thiệp được vào phần mềm.
Kết quả thi của thí sinh có giá trị trong 2 năm. Cụ thể, thí sinh thi năm nay vẫn có thể nhập học vào năm sau nếu đủ điểm trúng tuyển. Thậm chí kết quả thi năm nay không đỗ vào ngành đã đăng ký, nhưng với điểm số ấy có thể trúng tuyển các ngành học của năm sau, thí sinh vẫn được sử dụng kết quả để xét vào trường.
Bên cạnh đó, với các thí sinh đã tốt nghiệp THPT từ các năm trước muốn xét tuyển vào ĐH QGHN chỉ cần đăng kí dự thi "Bài thi tổng hợp đánh giá năng lực chung" do Trung tâm Khảo thí ĐH QGHN tổ chức vào một trong hai đợt là đầu tháng 5 hoặc tháng 8/2015. Sau khi làm bài thi, các em sẽ nhận được giấy chứng nhận kết quả đánh giá và nộp kết quả này với bằng tốt nghiệp THPT (bản sao) đến các trường/khoa trong ĐH QGHN để được xét tuyển vào ngành học các em đăng ký. Việc xét tuyển vào các ngành học sẽ lấy từ cao xuống đến hết chỉ tiêu của ngành.
Bài thi đánh giá năng lực là các câu hỏi trắc nghiệm
Kết cấu bài thi mà ĐH QGHN áp dụng hoàn toàn là các câu hỏi trắc nghiệm. Cụ thể, cấu trúc bài thi tổng hợp đánh giá năng lực chung được thiết kế đảm bảo bao phủ được toàn bộ nội dung chương trình học ở bậc THPT từ lớp 10 đến lớp 12 theo tỉ lệ lần lượt là 10%, 20%, 70%.
TS Vũ Viết Bình, Phó Ban Đào tạo - ĐH QGHN cho biết, việc thiết kế bài thi không phải hoàn toàn là các câu hỏi trắc nghiệm mà trong đó còn có các câu hỏi dạng trả lời ngắn thuộc phần tư duy định lượng (môn toán chiếm 15/50 câu hỏi).
Bài thi được phân định rõ ràng các phần như dễ, trung bình, khó theo tỉ lệ lần lượt là 20%, 60%, 20% để đảm bảo được tính phân loại và sàng lọc thí sinh. Đề thi được thiết kế để đảm bảo hạn chế mức tối thiểu xác suất thí sinh có câu trả lời đúng do đoán mò.
Thí sinh bắt buộc làm 2 phần Toán và Ngữ văn
Với thí sinh là học sinh khối C, lâu nay thường tập trung nhiều vào các môn Văn, Sử, Địa, thì với bài thi đánh giá năng lực của trường, thí sinh cần phải bổ sung thêm những kiến thức nào? Trả lời câu hỏi này, Tiến sĩ Vũ Viết Bình, Phó Ban đào tạo – ĐH QGHN cho biết, các thí sinh bắt buộc phải làm hai phần: Toán và Ngữ Văn, được lựa chọn một trong hai phần: KHTN (Lý, Hóa, Sinh) và KHXH (Sử, Địa, GDCD). Vì thế với trường hợp là học sinh khối C thì thí sinh sẽ làm hai phần bắt buộc là phần Toán và Ngữ Văn, cộng thêm phần KHXH. Các thí sinh đã ôn thi theo khối C thì sẽ có kiến thức tốt môn Ngữ văn và các môn về khoa học xã hội.
Riêng về môn Toán, các thí sinh đều phải trải qua kỳ thi tốt nghiệp THPT có môn Toán là bắt buộc nên các thí sinh này cũng đã có nền tảng kiến thức toán nhất định. Phần Toán trong bài thi là một dải năng lực từ dễ đến khó. Các câu hỏi trong bài thi đánh giá năng lực không phải là học thuộc mà là các câu hỏi có tính chất ứng dụng kiến thức đã được học vào cuộc sống, đảm bảo đánh giá chính xác năng lực của người học. Hiện nay, ĐH QGHN đã đưa bài thi mẫu lên mạng để các thí sinh làm thử cho quen với các dạng thức câu hỏi.
Đối với các thí sinh đăng ký thi vào các ngành của trường ĐHNN – ĐH QGHN, TS Bình cho biết, ngoài bài thi tổng hợp đánh giá năng lực chung, các thí sinh sẽ làm một bài thi về ngoại ngữ theo cấu trúc của trường ĐHNN - ĐH QGHN công bố và thi cùng đợt với đợt thi đánh giá năng lực và cũng thi trên máy tính tại các địa điểm, cụm thi mà các thí sinh đăng ký. Tại các địa phương tổ chức các cụm thi, ĐH QGHN sẽ tổ chức thi cho thí sinh trọn vẹn trong 1 ngày. Ví dụ, buổi sáng các em thi đánh giá năng lực thì buổi chiều các em sẽ thi Ngoại ngữ.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.