ĐKXT bổ sung đợt 1: Có hay không việc bất công cho thí sinh khi các trường hạ điểm xét tuyển

Minh Đức-Thứ sáu, ngày 26/08/2016 15:46 GMT+7

VTV.vn - Nhiều người cho rằng việc các trường hạ mức điểm nhận hồ sơ sẽ không công bằng cho các thí sinh trúng tuyển nguyện vọng 2, tuy nhiên thí sinh cần phân biệt được rõ điểm trúng tuyển và mức điểm nhận hồ sơ

Hạ mức điểm xét tuyển nên mất công bằng cho thí sinh trúng tuyển nguyện vọng 2?

Kết thúc thời gian nộp giấy chứng nhận kết quả thi, hơn 150 trường ĐH trên cả nước đã có thông báo xét tuyển bổ sung do không tuyển đủ chỉ tiêu. Thậm chí nhiều trường chỉ tuyển được khoảng hơn 50% chỉ tiêu ban đầu bởi số lượng thí sinh trúng tuyển ảo lớn hơn dự kiến. Trước tình hình này, nhiều trường đã có động thái hạ điểm chuẩn để thu hút thí sinh đăng ký xét tuyển. Đây dường như là tất yếu trong hoàn cảnh hiện nay khi nhiều trường thiếu đến hàng ngàn chỉ tiêu. Với tình hình như vậy, một số người đã đặt ra câu hỏi liệu việc hạ điểm xét tuyển trong đợt xét tuyển bổ sung này có công bằng đối với các thí sinh đã trúng tuyển nguyện vọng hai của kỳ đăng ký xét tuyển đợt 1 hay không?

ĐKXT bổ sung đợt 1: Có hay không việc bất công cho thí sinh khi các trường hạ điểm xét tuyển - Ảnh 1.

Nhiều thí sinh tỏ ra tiếc nuối khi nhiều ngành đã trượt trước đó đồng loạt hạ mức điểm xét tuyển

Trong kỳ đăng ký xét tuyển đợt 1, mỗi thí sinh được phép nộp 2 nguyện vọng vào hai trường. Theo tâm lý chung, các em sẽ nộp nguyện vọng 1 vào trường ĐH mà bản thân yêu thích và nộp nguyện vọng 2 vào trường có điểm chuẩn thấp hơn để đảm bảo khả năng đỗ ĐH. Kết thúc thời gian xét tuyển, rất nhiều em được thông báo trượt ngành mình đăng ký nguyện vọng 1 nhưng đủ điểm đỗ vào ngành còn lại. Trước tình hình này, nhiều em đã chấp nhận nộp giấy chứng nhận kết quả thi vào ngành đã đỗ để xác nhận việc nhập học. Nhưng ngay sau đó, những ngành các em đã trượt lại thông báo... tuyển bổ sung.

Nhiều thí sinh rất bất ngờ và bỡ ngỡ trước thông tin này, thậm chí nhiều người còn cho rằng việc các trường thi nhau hạ điểm không công bằng đối với nhiều thí sinh trúng tuyển nguyện vọng 2 trong kỳ xét tuyển đợt 1.

Em Phạm Tuấn Tú nộp nguyện vọng một vào hệ Đào tạo Kỹ sư Quân sự - Học viện Kỹ thuật Quân sự (HVKTQS) và nộp nguyện vọng hai vào trường ĐH Kinh tế Quốc dân trong kỳ đăng ký xét tuyển đợt 1. Sau khi biết mình không đủ điểm đỗ HVKTQS, Tuấn Tú đã nộp giấy chứng nhận kết quả thi về ĐH Kinh tế Quốc dân. Tuy nhiên, đến ngày 23/8, Tuấn Tú được biết HVKTQS đã hạ mức điểm nhận hồ sơ ngành em đăng ký trước đó xuống 2 điểm. Mặc dù rất muốn tiếp tục nộp đơn đăng ký xét tuyển bổ sung vào HVKTQS nhưng theo quy định Tú không được phép rút lại giấy chứng nhận kết quả đã nộp vào ĐH Kinh tế Quốc dân. Em cho biết bản thân cảm thấy rất tiếc và hụt hẫng, vì mục tiêu ban đầu của em là theo học HVKTQS.

Hạ mức điểm xét tuyển nhưng chưa chắc đã hạ điểm trúng tuyển

Tuy nhiên, nhìn nhận một cách khách quan, việc các trường hạ điểm xét tuyển không tạo sự mất công bằng cho các thí sinh. Thầy Nguyễn Phong Điền - Trưởng phòng Đào tạo Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết: "Việc các trường hạ ngưỡng điểm nhận hồ sơ là điều tất yếu nếu thiếu nhiều chỉ tiêu, quy định của Bộ Giáo dục - Đào tạo không hề cấm điều này. Các em cần phải phân biệt được điểm trúng tuyển và điểm nhận hồ sơ xét tuyển. Hiện các trường mới chỉ hạ điểm nhận hồ sơ xét tuyển nhưng khi công bố điểm trúng tuyển thì chắc chắn điểm chuẩn sẽ cao hơn rất nhiều".

Thầy Nguyễn Phong Điền cho biết thêm: "Nếu các trường hạ điểm chuẩn xuống quá sâu, khoảng 2 hay 3 điểm thì điều tôi lo lắng là chất lượng sinh viên sẽ không đồng đều. Ví dụ như trong một lớp có một nửa thí sinh đạt điểm 22 trở lên trúng tuyển theo học, nhưng nửa còn lại thì trúng tuyển bổ sung với số điểm 19, 20 chẳng hạn thì chắc chắn mặt bằng đào tạo chung sẽ không đồng đều. Vậy nên tôi cho rằng các trường sẽ không để tình trạng đó xảy ra, điểm chuẩn của đợt xét tuyển bổ sung sẽ không quá chênh lệch so với điểm chuẩn của xét tuyển đợt 1".

Có thể thấy, việc các trường hạ ngưỡng điểm xét tuyển chỉ là một cách để thu hút thí sinh nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển bổ sung nhằm "chống" lại thực trạng trúng tuyển ảo. Theo nhiều dự đoán, điểm trúng tuyển của đợt bổ sung này sẽ không có nhiều chênh lệch để đảm bảo chất lượng đào tạo cho các trường. Vậy nên các thí sinh khi đã trúng tuyển nguyện vọng 2 không nên "quá tiếc" khi thấy các trường hạ ngưỡng điểm nhận hồ sơ xét tuyển.

Thầy Bùi Đức Triệu - Trưởng phòng Đào tại ĐH Kinh tế Quốc dân chia sẻ quan điểm: "Tôi cho rằng các thí sinh đã có quyền lựa chọn khi đăng ký xét tuyển đợt 1. Các em có thể không đỗ nguyện vọng 1 nhưng vẫn chờ đợi trường mình yêu thích tuyển bổ sung để tiếp tục nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển. Nếu các em đã lựa chọn gửi giấy chứng nhận kết quả thi đi thì nên chấp nhận điều đấy. Các trường hạ điểm nhận hồ sơ không có gì sai cả bởi điểm trúng tuyển không phụ thuộc quá nhiều vào điều này".

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước