Năm nay, lớp 3A2 thực hiện sách giáo khoa mới và chương trình mới. Với cô Nguyễn Thị Thành Trang (Trường Tiểu học Thịnh Hào, Đống Đa, Hà Nội), tuổi U40 cộng rồi mà phải đổi mới là ngại. Nhưng khi buộc phải đổi mới, cô thấy lớp học của mình đã thay đổi hoàn toàn.
Tiết học bắt đầu với phần khởi động. Có những khoảng lặng để các con làm việc độc lập rồi lại chuyển sang làm việc nhóm. Trong suốt quá trình, cô giáo hướng dẫn, khích lệ. Cuối cùng là cô tổng kết lại những nội dung chính. 35 phút của tiết học trôi qua mà bạn nhỏ nào cũng vẫn mang cảm giác tiếc nuối khi hoạt động kết thúc. Học sinh làm tốt thì được cô thưởng sao.
Đổi mới tư duy, đổi mới cách thực hiện, lớp học đã đạt được mục tiêu là phát huy năng lực học sinh!
Đổi mới là sứ mệnh của ngành giáo dục
Những giờ học thật vui và tràn đầy năng lượng nhưng phải thừa nhận với nhau rằng, bên cạnh rất nhiều giáo viên đang nỗ lực đổi mới thì nhiều người vẫn còn than khó, ngại khó. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh: Lần đổi mới này của ngành giáo dục là vô cùng sâu rộng, với tốc độ rất nhanh và cũng đầy thách thức. Đổi mới không bao giờ là dễ dàng cả. Nếu không có những ý kiến than khó, than khổ, sao gọi là đổi mới! Nói như vậy, nhưng người đứng đầu ngành giáo dục khẳng định sẽ nỗ lực hoàn thiện chính sách để người thầy hoàn thành tốt sứ mệnh đổi mới của mình.
Những thầy cô đang tích cực đổi mới chia sẻ rằng: đổi mới không phải từ những thứ quá cao siêu, to tát. Đổi mới cần bắt đầu từ những điều đơn giản nhất, trong hoàn cảnh, điều kiện của mình. Khi thầy cô quá lo lắng và áp lực về đổi mới thì sẽ không có được niềm vui, hạnh phúc thực sự trong công việc của mình. Ở tỉnh miền núi Hòa Bình, các thầy cô giáo đang có những cách làm riêng để thực hiện chương trình mới được hiệu quả.
Linh hoạt trong đổi mới giáo dục
Giờ học Toán của các học sinh lớp 9T, Trường THCS Kim Đồng, Tân Lạc, Hòa Bình, các em đang học bài: ứng dụng thực tế tỷ số lượng giác. Khái niệm nghe thì thấy khó nhưng được thực hành thì dễ hiểu hơn nhiều. Bằng cách dùng thiết bị có tên là giác kế này, các học sinh đang đo chiều cao của cây cột kia. Nó khác hoàn toàn suy nghĩ của những em vốn nghĩ là phải leo lên tận cột mới đo được!
Lớp học từ trong nhà ra ngoài trời. Chỉ vài bước chân thôi nhưng là một thay đổi lớn của người thầy.
Đổi mới không chỉ là cái vỏ bên ngoài, đổi mới không chỉ ở hình thức. Cô Thúy là giáo viên dạy môn Sinh học. Nhưng hiện giờ, theo chương trình mới, 3 môn Sinh, Hóa, Lý sẽ tích hợp lại thành môn Khoa học tự nhiên. Vậy là từ giờ, giáo viên sẽ không làm việc độc lập. Tổ khoa học tự nhiên sẽ cùng làm việc với nhau để đưa ra kế hoạch bài giảng. Giáo viên môn này phải học hỏi thêm kiến thức của môn kia. Tính chủ động, tự học hỏi rất cần ở người giáo viên lúc này.
Trong giờ khoa học tự nhiên này, các học sinh lớp 7 đang học về phân tử đơn chất, hợp chất. Cô giáo muốn cho học sinh làm thí nghiệm nhưng lại thiếu vật liệu vì nhà trường chưa được cấp. Vậy thì phải chủ động. Muối, đường và một lọ dầu gió là đã có thể cho các em thực hành.
Đổi mới không bao giờ đơn giản nhưng đổi mới đang mang lại nhiều điều tích cực. Thành công của lần đổi mới giáo dục lần này đang được quyết bởi nỗ lực của những người thầy!
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!