Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể lần này của Bộ Giáo dục & Đào tạo được kỳ vọng như một cú hích chấn hưng nền giáo dục nước nhà, được nhìn nhận là có những điểm tiến bộ. Tuy nhiên theo nhiều ý kiến, với nhiều tham vọng quá lớn, bản dự thảo bị đánh giá là nặng nề, chưa giảm tải, ôm đồm nhiều nội dung.
Tờ Sài Gòn giải phóng cho rằng dự thảo không chỉ chuẩn bị chưa kỹ mà còn thiếu các điều kiện cơ bản để triển khai chương trình mới. Ngoài ra với bản dự thảo, Bộ Giáo dục và Đào tạo dường như chưa đặt người thầy vào vị trí quan trọng nhất, phải đầu tư đồng bộ với việc xây dựng chương trình mới.
Tờ Sài Gòn giải phóng cho rằng dự thảo không chỉ chuẩn bị chưa kỹ mà còn thiếu các điều kiện cơ bản để triển khai chương trình mới
Cùng chia sẻ mối quan tâm về một dự thảo sẽ ảnh hưởng tới hàng triệu học sinh, giáo viên, và chất lượng nuồn nhân lực tương lai của đất nước, tờ Quân đội Nhân dân đã chỉ ra một vấn đề khá đáng lo ngại.
Cụ thể, sau khi được tiếp thu, chỉnh sửa, dự thảo sẽ được triển khai từ năm học 2018-2019, và như vậy chỉ còn khoảng 1,5 năm nữa, các em học sinh ở các cấp phổ thông sẽ được học chương trình nội dung mới. Vậy làm thế nào đội ngũ giáo viên có thể tiếp cận, làm chủ được phương pháp giáo dục đáp ứng với chương trình mới.
Cùng quan điểm với vấn đề này, tờ Đại đoàn kết đã trích dẫn ý kiến của Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Văn hóa xã hội của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Theo Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức, cần bắt đầu từ gốc là một chương trình giáo dục tổng thể của cả hệ thống giáo dục, chứ không phải là đưa ra một chương trình lẻ loi, chung chung, chưa xác định được cái gì cần, cái gì không cần. Và sau đó, vấn đề nguồn nhân lực để thực hiện là như thế nào thì cũng chưa tính đến.
Đi sâu hơn, tờ Tiền Phong phân tích, trong số 11 môn tự chọn, học sinh chỉ chọn 3, còn 8 môn còn lại sẽ không học. Vậy nếu học sinh chỉ chọn 1-2 môn trong số các môn truyền thống như Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học, chắc chắn sẽ có giáo viên phải chuyển công tác hoặc thất nghiệp. Còn với một số môn mới so với giáo trình hiện tại, việc thiếu giáo viên là hoàn toàn có thể.
Tờ Tiền Phong lo ngại về tương lai nghề nghiệp của không ít giáo viên nếu dự thảo mới được áp dụng vào thực tế
Bên cạnh đó, các ý kiến trên báo Thanh niên cho rằng chương trình mới khá nặng, đặc biệt với bậc tiểu học; bất cập khi tích hợp ở bậc học này, phân hóa ở bậc học kia, hay quá lý tưởng so với thực tế. Và chốt lại, đó là nếu không chuẩn bị chu đáo thì sẽ nguy hiểm, mất niềm tin của xã hội.
Cũng với quan điểm về khối lượng chương trình trong dự thảo mới, tờ Nông thôn ngày nay cho rằng thời lượng học tập của chương trình mới vẫn là quá cao so với các nước, và như vậy sẽ khiến trẻ quá tải. Tính hiệu quả giáo dục không thể cao vì trẻ học bằng sự ép buộc chán chường chứ không phải bằng niềm vui thích.
Dự thảo đang được lấy ý kiến, do đó, mọi ý kiến đóng góp sẽ đều được ghi nhận và tiếp thu một cách cẩn trọng. Tuy nhiên, có thể nhận thấy là rất nhiều ý kiến cho thấy sự lo ngại đối với những đổi mới quá nhanh chóng trong giáo dục, cho rằng điều này có thể gây ra những hệ quả không nhỏ.
Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam!