Dự thảo quy chế tuyển sinh mới: Nhiều nguyện vọng, liệu có phổ cập Đại học?

Ban Thời sự-Thứ sáu, ngày 16/12/2016 19:42 GMT+7

VTV.vn - Với việc không giới hạn số lượng nguyện vọng cũng như số trường, thí sinh có nhiều cơ hội đỗ ĐH hơn nhưng từ đây cũng có những lo ngại về hiện tượng "phổ cập giáo dục ĐH".

Năm 2017, các thí sinh sẽ có nhiều khả năng đỗ đại học hơn nếu có chiến lược xét tuyển tốt. Đây là tinh thần nổi bật của Dự thảo Quy chế tuyển sinh đại học và nhóm các trường cao đẳng đào tạo giáo viên vừa mới được công bố.

Theo thông tin từ Bộ GD&ĐT, dự thảo quy định, vào năm 2017, thí sinh được đăng ký nguyện vọng tùy ý mà không bị giới hạn số lượng nguyện vọng cũng như số trường. Các nguyện vọng phải được sắp xếp theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp, thí sinh trúng tuyển vào 1 nguyện vọng ưu tiên cao nhất mà các em đã đăng ký.

Năm sau, Bộ sẽ không quy định cụ thể thời gian các đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung. Các trường được tự chủ hoàn toàn khi thực hiện xét tuyển bổ sung và có thể xét tuyển bổ sung một hoặc nhiều lần trong năm. Điểm nhận hồ sơ xét tuyển bổ sung không được thấp hơn điểm trúng tuyển đợt 1.

Dự thảo quy chế tuyển sinh mới: Nhiều nguyện vọng, liệu có phổ cập Đại học? - Ảnh 1.

Bà Nguyễn Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo trên trường quay chương trình Cuộc sống thường ngày

Ngoài ra, một điểm mới là năm 2017, thí sinh sẽ thực hiện đăng ký nguyện vọng trước khi thi, cùng lúc với làm thủ tục dự thi. Sau khi có kết quả thi THPT Quốc gia, thí sinh được phép điều chỉnh nguyện vọng của mình một lần nữa để tăng khả năng thi đỗ.

Từ năm 2017, điểm sàn đại học cũng sẽ không còn. Thí sinh được xét tuyển vào Đại học nếu thi đỗ tốt nghiệp THPT.

Trả lời câu hỏi của PV THVN về lo ngại tình trạng "phổ cập giáo dục ĐH" khi có rất nhiều nguyện vọng cho thí sinh, bà Nguyễn Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng: Chúng ta không nên lo lắng quá về vấn đề này vì thực tế trong những năm qua các trường đều không tuyển đủ chỉ tiêu mà họ kì vọng đạt được và cũng có khá nhiều thí sinh đạt điểm sàn nhưng họ không lựa chọn con đường đi học ĐH. Ví dụ như năm 2016, cả khối ĐH là có hơn 400.000 chỉ tiêu nhưng chỉ có hơn 300.000 chỉ tiêu đi ĐH thôi. Mỗi năm có khoảng trên dưới 1 triệu em tốt nghiệp cấp 3 thì chỉ khoảng 30-40% các em đi ĐH. Điều đó cho thấy, nếu chúng ta có mở hơn nữa các em vẫn có sự lựa chọn của riêng mình.

Về dự thảo này, bà Phụng khuyên: "Các thí sinh không nên đăng ký quá nhiều nguyện vọng bởi sẽ có quy định đó là phải sắp xếp các nguyện vọng đó theo thứ tự ưu tiên.

Vì vậy, các thí sinh nên lựa chọn đăng ký nguyện vọng 1 là trường mà mình kỳ vọng nhất; và nguyện vọng 2, nguyện vọng 3 thì nên đăng ký ở những trường mà bằng với khả năng của mình để tăng cơ hội trúng tuyển...".

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước