Truyền tình yêu hát xoan
Nghệ thuật hát xoan là loại hình nghệ thuật đa yếu tố: có nhạc, hát, múa, thường được biểu diễn vào dịp đầu xuân, phổ biến ở vùng đất tổ Hùng Vương - Phú Thọ.
Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, hát xoan vẫn được phát triển trong cộng đồng. Từ những buổi đầu ra đời là nghi lễ hát thờ Vua, đến nay hát Xoan đã trở thành di sản độc đáo được UNESCO ghi danh là 1 trong 15 di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam.
Trẻ em tham gia tour "Hát Xoan làng cổ" tại đình Hùng Lô.
Để bảo tồn, gìn giữ và phát huy loại hình văn hóa dân gian này, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh Phú Thọ tổ chức các tour cho các em học sinh trải nghiệm, thưởng thức chương trình "Hát Xoan làng cổ" được tổ chức tại đình Hùng Lô.
"Muốn cho làn điệu hát xoan được giữ gìn thì mỗi em bé sinh ra ở Phú Thọ ngay từ khi bập bẹ hát những câu hát đầu tiên ở trường mầm non cũng cần phải được làm quen với làn điệu dân ca của quê hương mình.
Chính vì vậy, trường chúng tôi thường xuyên tổ chức cho các em học sinh tham gia tour "Hát Xoan làng cổ". Tại đây, các em không chỉ được nghe các làn điệu xoan cổ, cùng tìm hiểu về các di tích lịch sử văn hóa từ thời đại Hùng Vương mà còn được tham quan các làng nghề truyền thống tại một số địa phương, được trực tiếp học múa, hát, biểu diễn hát xoan dưới sự hướng dẫn tận tình, chu đáo của các nghệ nhân", cô Ngọc – Giáo viên Trường Mầm non Hoa Mai (TP.Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) cho biết.
Trường học gắn với di sản
Cùng với các cấp, các ngành, các trường Tiểu học, Trung học Cơ sở và Trung học Phổ thông trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đều đang thực hiện tích cực mô hình "Trường học gắn với di sản". Từ đó góp phần phát huy giá trị, khơi dậy tình yêu trong thế hệ trẻ, tạo lực lượng kế cận và tạo sức lan tỏa mạnh mẽ.
Đặc biệt, hai di sản là hát xoan và tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã được biên soạn và đưa vào Chương trình Giáo dục địa phương của tỉnh Phú Thọ theo Chương trình Giáo dục phổ thông mới từ năm học 2021-2022. Điều này đã góp phần trang bị cho học sinh những hiểu biết cơ bản về văn hóa truyền thống, lịch sử của dân tộc.
Không chỉ là dạy học hát, việc đưa hát xoan đến gần với trẻ sẽ giúp các em cảm thụ được cái hay, cái đẹp của một làn điệu dân ca truyền thống.
Giáo viên các bộ môn đã chủ động tổ chức biên soạn tài liệu giảng dạy, lồng ghép những nội dung về nguồn gốc ra đời của di sản; giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, du lịch; kiến thức khoa học về môi trường, bảo vệ di sản... trong các tiết học.
Em Nguyễn Như An - Trường Tiểu học Gia Cẩm chia sẻ: "Chúng em được các cô giáo trong trường dạy hát xoan, lúc đầu là những bài ngắn, dễ nhớ, sau là các bài dài hơn, khó hát hơn. Chúng em còn được nhà trường cho đi thăm quan thực tế tại các làng cổ, là cái nôi của hát xoan như miếu Lãi Lèn, đình Hùng Lô… Bây giờ em có thể hát được rất nhiều bài về xoan và em rất yêu hát xoan".
Việc đưa các làn điệu dân ca của địa phương vào chương trình giáo dục âm nhạc các cấp học, không chỉ có tác dụng to lớn đối với việc bảo tồn và phát huy các giá trị tinh thần mà cha ông để lại, mà còn mang lại cho các em sự thích thú khi được tìm hiểu về đời sống tinh thần, những nét văn hóa đặc sắc của quê hương, giúp trẻ phát triển toàn diện về đức, trí, thể, mỹ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!