Dược sĩ Lê Hữu Trí - người thầy dành cả đời cho sự nghiệp đào tạo
Dược sĩ Lê Hữu Trí (sinh năm 1938) quê gốc ở xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên. Vốn là giảng viên kiêm phụ trách giáo vụ bộ môn Hóa Trường Đại học Y Hà Nội, dược sĩ Lê Hữu Trí đã dành cả cuộc đời mình để cống hiến cho sự nghiệp đào tạo cán bộ y tế của trường Đại học Y Hà Nội.
Năm 1965, Ban giám hiệu đã giao trọng trách xây dựng bộ môn Y Hóa ở nơi sơ tán cho dược sĩ Trí. Tại đây, ông đã bồi dưỡng nghiệp vụ giảng dạy cho đội ngũ cán bộ trẻ mới về, tổ chức cho tập thể giáo viên biên soạn sách giáo khoa thông qua giáo trình, giáo án, thí giảng, bình giảng.
Dược sĩ Lê Hữu Trí - người thầy đã dành cả cuộc đời mình để cống hiến cho sự nghiệp đào tạo
Là một dược sĩ mẫn cán với sự nghiệp đào tạo của ngành Y, dược sĩ Trí còn tổ chức những khóa học dạy sinh viên nghiên cứu ngay từ khi mới "chập chững" bước vào trường Đại học. Một số sinh viên được thầy Trí trực tiếp giảng dạy giờ đây đã trở thành những giáo sư đầu ngành như giáo sư Nguyễn Thanh Liêm, giáo sư Nguyễn Anh Trí...
Trong suốt quá trình công tác, dược sĩ Lê Hữu Trí tuy không có điều kiện để đi tu nghiệp nước ngoài nhưng ông vẫn không ngừng tự học qua sách vở và các nghiên cứu khoa học. Bằng sự tâm huyết, cố gắng không ngừng nghỉ, dược sĩ Trí tiếp tục tham gia xây dựng trường Đại học Y Hải Phòng và sang Ăng-gô-la làm chuyên gia giảng dạy khoa Y của trường Đại học Tổng hợp.
Nghiên cứu chữ viết dành cho thế hệ con cháu sau 18 năm ấp ủ
Bén duyên với ngành Y và dành cả cuộc đời cho sự nghiệp đào tạo Y học, thế nhưng dược sĩ Lê Hữu Trí vẫn có một niềm đam mê khác với "chữ nghĩa" được cha ông truyền lại. Cha dược sĩ Trí là một thầy giáo "Tây học" thời Pháp thuộc rất giỏi tiếng Pháp, viết rất đẹp chữ La-tinh và đã truyền lại cách viết chữ cho dược sĩ Trí bằng phương pháp "bố viết con tô".
Dược sĩ Trí và nghiên cứu "Dạy viết đẹp chữ Việt Nam hiện đại thế kỉ 21 bằng phương pháp cổ truyền"
Bằng niềm đam mê với chữ viết được ông cha truyền lại cùng mong ước con cháu được hưởng thụ cách viết chữ của Bác Hồ (bỏ đoạn bôi đỏ), dược sĩ Lê Hữu Trí đã đi vào nghiên cứu "Dạy viết đẹp chữ Việt Nam hiện đại thế kỉ 21 bằng phương pháp cổ truyền". Nghiên cứu được chắp bút từ năm 2001 khi cháu ngoại ông mới vào lớp 1 với niềm hi vọng sẽ truyền lại phương pháp viết chữ đẹp cho thế hệ trẻ.
Nghiên cứu phương pháp viết chữ đẹp theo phương pháp cổ truyền được ông chia làm 3 phần. Phần 1 với nội dung chính là quá trình hình thành chữ quốc ngữ từ chữ Nôm đến chữ quốc ngữ, đồng thời khơi dậy niềm tự hào về một Việt Nam đã có chữ viết từ 100 năm trước công nguyên. Đặc biệt, dược sĩ Trí còn mong muốn nhắc nhở đến thế hệ sau về đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", biết ơn cụ tổ của chữ quốc ngữ Việt Nam đã đem chữ viết đến cho đất nước ta.
Ở phần 2, dược sĩ Lê Hữu Trí đã đem đến các bài chữ viết mẫu theo cách viết của bác Hồ để học sinh có thể tập tô lại. Ở phương pháp tập viết chữ này, học sinh sẽ không tô trên giấy mà sẽ tô gián tiếp lên một tờ mica trong suốt cho đến khi thành thạo. Ngoài ra, ông đã có sáng kiến phân loại các chữ cái thành những nhóm từ đơn giản đến phức tạp để phù hợp với khả năng của lứa tuổi học sinh lớp 1.
Dược sĩ Lê Hữu Trí ở tuổi 80 vẫn rất tâm huyết với những nghiên cứu dạy viết chữ đẹp.
Bên cạnh các phương pháp dạy viết chữ, nghiên cứu của dược sĩ Trí còn đưa ra lịch sử của chữ viết. Thông qua nghiên cứu này, ông cũng muốn đưa ra nhận định của mình về chữ viết đẹp. Với ông, muốn viết đẹp thì khi viết phải liên kết chữ nọ với chữ kia phải thành một nét, đồng thời phải bảo đảm các chữ cách đều nhau. Đồng thời, cách viết này không chỉ tạo nên một chữ viết đẹp mà còn giúp học sinh viết đơn giản hơn, nhanh hơn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!