Giảm áp lực, ứng dụng chuyển đổi số hiệu quả trong tuyển sinh

Khánh Nguyễn-Thứ ba, ngày 30/07/2024 06:43 GMT+7

VTV.vn - Ngày 29/7, Ban Chỉ đạo tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non năm 2024 họp phiên đầu tiên. Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn chủ trì cuộc họp.

Công tác tuyển sinh ổn định; hỗ trợ tối đa cho thí sinh

Báo cáo về công tác tuyển sinh năm 2024, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học Nguyễn Thu Thủy cho biết: Về cơ bản công tác tuyển sinh năm 2024 không thay đổi. Hệ thống ổn định. Các thắc mắc của thí sinh, phụ huynh được giải thích và hướng dẫn kịp thời.

Giảm áp lực, ứng dụng chuyển đổi số hiệu quả trong tuyển sinh - Ảnh 1.

Quang cảnh cuộc họp

Bộ GD&ĐT tiếp tục tăng cường một số giải pháp kỹ thuật nhằm hỗ trợ tốt hơn cho công tác tuyển sinh. Đồng thời hỗ trợ các thí sinh trong quá trình đăng ký xét tuyển. Từ đó, giảm thiểu sai sót, nhầm lẫn cho thí sinh.

Bộ GD&ĐT khuyến cáo cơ sở đào tạo rà soát các phương thức xét tuyển hiệu quả, loại bỏ các phương thức gây nhiễu Hệ thống cũng như khó khăn, vướng mắc cho xã hội. Mặt khác, hoàn thiện quy trình tuyển sinh, rút ngắn thời gian tuyển sinh đợt 1.

Đặc biệt khi đưa vào hệ thống Hemis - cơ sở dữ liệu quốc gia về giáo dục đại học, sự kết nối của cơ sở dữ liệu này đã giúp các trường đại học, các cơ quan quản lý tiếp cận dữ liệu nhanh chóng, công khai, minh bạch hơn.

Giảm áp lực, ứng dụng chuyển đổi số hiệu quả trong tuyển sinh - Ảnh 2.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học Nguyễn Thu Thủy báo cáo tại cuộc họp

Tại buổi họp, các thành viên Ban Chỉ đạo đã thống nhất khẳng định công tác tuyển sinh những năm gần đây dần đi vào ổn định, ngày càng thuận lợi, công khai, bảo đảm công bằng trong xét tuyển, giảm gánh nặng cho xã hội. Đồng thời có những kiến nghị, góp ý để việc tuyển sinh hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Với nhấn mạnh, việc tuyển sinh phải thực chất chứ không phải tuyển sinh cho đủ và điểm cao, PGS.TS Nguyễn Hoàng Hải, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội thông tin: Năm nay là năm thứ ba Đại học Quốc gia Hà Nội tiến hành thực hiện "theo vết" sinh viên, theo dõi kết quả học tập ngay từ khi xét tuyển đầu vào cho đến đầu ra. Điều này giúp đánh giá được việc lựa chọn hình thức xét tuyển nào sẽ là phù hợp nhất. PGS.TS Nguyễn Hoàng Hải cho rằng, Bộ GD&ĐT nên yêu cầu các trường đại học báo cáo kết quả giữa lựa chọn phương thức xét tuyển và kết quả học tập của thí sinh.

PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Phó Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội nhìn nhận: Năm nay, công tác tuyển sinh giảm áp lực hơn so với năm ngoái. Với sự hỗ trợ về mặt kỹ thuật, các thí sinh không cần lựa chọn phương thức xét tuyển hay tổ hợp xét tuyển, chỉ cần chọn ngành và trường mà mình mong muốn. Đây là bước tiến rất táo bạo, gây áp lực cho phần mềm xét tuyển, nhưng lại tạo điều kiện thuận lợi vô cùng lớn cho thí sinh.

Ghi nhận hiệu quả của việc đa dạng hóa phương thức tuyển sinh, là đơn vị đặc thù, TS Nguyễn Văn Oanh, Cục trưởng Cục Nhà trường, Bộ Quốc phòng cho biết: Đặc điểm tuyển sinh quân sự là tuyển sinh chất lượng cao, vì đối tượng thí sinh tuyển sinh vào quân đội còn phải kèm theo rất nhiều các điều kiện khác như về sức khỏe, phẩm chất chính trị. Nên số lượng thí sinh đủ điều kiện càng ngày càng bị thu hẹp.

Một trong những giải pháp đột phá được Bộ Quốc phòng thực hiện trong năm nay là công tác tuyên truyền hướng nghiệp và đa dạng hóa các phương thức tuyển sinh. Nhờ đó, lượng thí sinh năm nay tăng 60% so với năm 2021, thể hiện sự hiệu quả trong công tác tuyển sinh.

Giảm áp lực, ứng dụng chuyển đổi số hiệu quả trong tuyển sinh

Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn khẳng định: Công tác tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non trong những năm gần đây ngày càng ổn định, theo hướng giảm áp lực, tạo thuận lợi cho thí sinh và các trường. Quy trình tuyển sinh ngày càng đơn giản nhưng chặt chẽ, công khai, minh bạch, bảo đảm quyền tự chủ của các trường. Quản lý nhà nước đi vào nề nếp và ứng dụng chuyển đổi số hiệu quả.

Theo Thứ trưởng, những năm qua, sự hợp tác, liên kết chặt chẽ giữa các cơ sở giáo dục đại học đã góp phần tạo nên thành công trong công tác tuyển sinh, có nhiều thay đổi tích cực. "Năm nay là năm kết thúc giai đoạn 10 năm đổi mới, chúng ta cần nhìn lại, kế thừa những điều tốt đẹp, cải tiến những khó khăn, bất cập, để thực hiện ngày càng hiệu quả, thực chất hơn", Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nói.

Giảm áp lực, ứng dụng chuyển đổi số hiệu quả trong tuyển sinh - Ảnh 3.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn phát biểu kết luận cuộc họp

Ghi nhận sự trách nhiệm của các thành viên Ban chỉ đạo, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho rằng: Cuộc họp đã thống nhất một số nội dung quan trọng về những ý kiến, đánh giá về kết quả tuyển sinh thời gian qua. Hết năm 2024, chúng ta trải qua chu kỳ 10 năm, trong đó có nhiều điểm mới được thực hiện theo đúng tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo.

Kế thừa những thành công và các bài học kinh nghiệm trong thời gian qua, Thứ trưởng nhấn mạnh, cần làm thật tốt công tác tuyển sinh năm 2024. Các thành viên trong Ban chỉ đạo cần nắm bắt tình hình của đơn vị trực thuộc và tham gia phối hợp trong công tác truyền thông, xử lý sự cố, sai sót nếu có. Đồng thời, cùng thảo luận để có đánh giá, rút kinh nghiệm trong công tác tuyển sinh của ngành, từ đó tham mưu cho lãnh đạo Bộ GD&ĐT để điều chỉnh Quy chế tuyển sinh, tổ chức tuyển sinh cho phù hợp.

"Chúng ta cũng cần suy nghĩ thấu đáo về cách thức, phương thức tuyển sinh hiện nay, tìm hiểu nguyên nhân vì sao các trường lại xét tuyển sớm, muốn có nhiều phương thức. Từ đó đề xuất giải pháp phù hợp, nhưng không được ảnh hưởng tiêu cực đến việc dạy và đánh giá kết quả THPT, bảo đảm công bằng, ổn định trên toàn hệ thống", Thứ trưởng yêu cầu.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước