Quang cảnh Hội nghị . Ảnh: Trung Hiếu - TTXVN
Năm học 2016-2017, ngành Giáo dục và đào tạo các địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã triển khai nhiệm vụ nhanh chóng, hiệu quả và có chiều sâu. Hệ thống trường, lớp đã được quy hoạch và mở rộng tương đối hoàn chỉnh với sự phát triển khá cân đối của cấp học và bậc học. Công tác xã hội hóa giáo dục được triển khai đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở và đạt hiệu quả ngày càng cao. Bên cạnh đó, các địa phương đã đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường lớp theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa và trường đạt chuẩn Quốc gia. Trong năm học này, các địa phương có nhiều điểm mới như tăng cường thanh tra quản lý nhà nước về giáo dục; đẩy mạnh công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh; đổi mới về kiểm tra, đánh giá học sinh tiểu học; chuẩn bị tốt cho kỳ thi trung học phổ thông Quốc gia 2017…
Tuy nhiên, từ đầu năm học đến nay ngành giáo dục và đào tạo các địa phương còn gặp những hạn chế như tỷ lệ huy động học sinh ra lớp chưa đạt yêu cầu ở bậc tiểu học, thiết bị đồ dùng dạy học một số trường vùng sâu chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới dạy học ở các cấp học, tình trạng học thêm, dạy thêm chưa được khắc phục…
Để thực hiện đạt kế hoạch đề ra như đã triển khai, tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung trao đổi các giải pháp tháo gỡ khó khăn; trao đổi, thảo luận những mô hình hay, giải pháp quản lý hiệu quả trong năm học 2016-2017.
Nhiều ý kiến cho rằng, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung vẫn là "vùng trũng" của cả nước về công tác giáo dục và đào tạo, mặc dù trong những năm gần đây đã được Đảng và Nhà nước, các cấp ngành quan tâm nhưng vẫn còn rất nhiều khó khăn trong công tác dạy và học do điều kiện đời sống người dân khó khăn, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao ở một số địa phương, con em đồng bào chưa có điều kiện học tập đầy đủ nên tỷ lệ bỏ học, lưu ban còn cao. Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần quan tâm hơn nữa đến việc đầu tư cho ngành giáo dục và đào tạo các địa phương trong khu vực, trong đó, tiếp tục triển khai chương trình kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên; quan tâm ưu tiên phân bổ các nguồn chương trình, dự án đầu tư cho các tỉnh còn khó khăn để tạo điều kiện giúp địa phương tháo gỡ khó khăn, phát triển sự nghiệp giáo dục, đặc biệt giáo dục vùng đồng bào dân tộc; xem xét các chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức công tác tại cơ quan sở và Phòng Giáo dục và Đào tạo, việc phân luồng học sinh sau tốt nghiệp trung học cơ sở và trung học phổ thông vào học nghề…
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tạiTV Online!