Gỡ khó về học phí, thiết bị học tập và SGK đầu năm học 2021 - 2022

Chuyển động 24h-Thứ ba, ngày 31/08/2021 15:30 GMT+7

VTV.vn - Thiếu từ máy tính, thiết bị học, cho tới sách giáo khoa vẫn chưa được chuyển tới vì dịch…, nhiều gia đình lo lắng về việc học online của con em trước thềm năm học mới.

TP Hồ Chí Minh miễn học phí học kỳ 1 năm học 2021 - 2022

TP Hồ Chí Minh đã đồng ý miễn học phí học kỳ 1 năm học 2021 - 2022 cho học sinh các trường công lập, để chia sẻ khó khăn với phụ huynh trong bối cảnh dịch bệnh. Đây là thông tin vừa được Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh chia sẻ trong chương trình "Dân hỏi - Thành phố trả lời".

Gỡ khó về học phí, thiết bị học tập và SGK đầu năm học 2021 - 2022 - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Ảnh: Dân trí.

Việc miễn học phí được áp dụng với hệ thống trường công lập. Học sinh không phải đóng học phí, thành phố sẽ thực hiện cấp bù bằng ngân sách. Ở trường ngoài công lập (tư thục, quốc tế); học phí do trường thỏa thuận với phụ huynh. Đối với các trường đại học, không thuộc quản lý của Sở; TP đã có kiến nghị miễn giảm học phí cho sinh viên để chia sẻ khó khăn với người dân trong lúc dịch bệnh. Hiện ngành giáo dục TP cũng đang ra sức kêu gọi người dân có điện thoại thông minh, máy tính bảng, máy tính xách tay cũ, không có nhu cầu sử dụng, chia sẻ với các em học sinh khó khăn, không có thiết bị để học trực tuyến. Đầu mối tiếp nhận việc này là các trường học.

Chỉ còn vài ngày nữa là năm học mới đã bắt đầu. Năm nay do dịch bệnh phức tạp, việc phong tỏa kéo dài ở nhiều địa phương, nhiều gia đình đến thời điểm này vẫn chưa thể mua đủ sách giáo khoa và các trang thiết bị học tập, phục vụ cho con em mình trong năm học mới.

Nỗi lo thiếu trang thiết bị học tập và sách giáo khoa đầu năm học mới

Chị Hoa ở TP Hồ Chí Minh có 2 con nhỏ. Năm nay, trường thông báo cả 2 con đều học trực tuyến, chị phải nhường máy tính làm việc của mình cho con học. Nhiều gia đình thuộc diện khó khăn, ảnh hưởng dịch không có thu nhập còn lo hơn, không biết sẽ mua máy tính, thiết bị cho con thế nào.

Bên cạnh đó, nhiều nơi còn thiếu sách giáo khoa. Một số phụ huynh cho biết đã đăng ký mua sách từ nhà trường mấy tháng nhưng đến nay vẫn chưa có thông tin gì.

UBND một số tỉnh/thành như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Vĩnh Long đã có văn bản đề nghị các đơn vị liên quan hỗ trợ cung ứng sách giáo khoa cho học sinh.

Gỡ khó về học phí, thiết bị học tập và SGK đầu năm học 2021 - 2022 - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Văn Tùng - Phó Tổng Biên tập Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam - cho biết: "Chúng tôi lên phương án thiết lập các tổng kho tạm thời tại các địa phương có tình hình dịch bệnh đang lắng dịu để tập kết hàng hóa, hoặc trong trường hợp có thể thì vận chuyển sách trực tiếp từ nhà in tới các đối tác phát hành trong khu vực".

Thiếu sách giáo khoa, trang thiết bị học tập cho con, năm học mới đã cận kề nhưng nhiều gia đình vẫn ngổn ngang nỗi lo riêng.

Năm học 2021 - 2022 cũng là năm học đầu tiên học sinh lớp 2 và lớp 6 trên cả nước bắt tay vào đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Tuy nhiên, diễn biến dịch thời gian vừa qua đã ảnh hưởng trực tiếp đến công tác tập huấn giáo viên. Khắc phục khó khăn này, các nhà xuất bản và các địa phương đã nỗ lực tìm giải pháp để bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên, sẵn sàng đáp ứng cho năm học thứ hai đổi mới giáo dục.

Gỡ khó cho giáo viên trong tập huấn sách giáo khoa mới

Thay vì đến từng địa phương, trực tiếp tương tác tháo gỡ những khó khăn vướng mắc về sách mới, chương trình mới thì suốt thời gian qua, TS Đặng Kim Nga buộc phải đứng lớp tập huấn trực tuyến. Thay đổi phương thức nhưng phải giữ vững chất lượng bồi dưỡng, các tác giả đã phải làm việc vất vả hơn rất nhiều.

Gỡ khó về học phí, thiết bị học tập và SGK đầu năm học 2021 - 2022 - Ảnh 3.

"Mình phải tìm hiểu từng địa phương, xem đặc thù của thầy cô học sinh như thế nào, từ đó mình lấy ví dụ phù hợp để giáo viên có thể tổ chức giờ học hiệu quả" - TS Đặng Kim Nga, tác giả SGK Tiếng Việt 2, bộ sách Cánh Diều cho biết.

PGS.TS Đinh Khánh Thu - tác giả SGK Giáo dục thể chất 6, bộ sách Cánh Diều - cho hay: "Chúng tôi yêu cầu người đến học phải có câu hỏi, nhắn vào phần chat để chúng tôi hiểu được nhu cầu phần nào hiểu phần nào chưa hiểu, để chúng tôi làm kỹ ở phần thảo luận".

12 phòng học zoom đầy đủ thiết bị đã được triển khai, hơn 600 buổi bồi dưỡng giáo viên sử dụng sách giáo khoa mới đã liên tục được tổ chức suốt 3 tháng qua. Nỗ lực xóa nhòa ranh giới giữa tập huấn trực tiếp và trực tuyến nhưng ở nhiều nội đặc thù nhóm tác giả vẫn mong muốn các địa phương có giải pháp giúp giáo viên được trải nghiệm sách mới.

Thạc sỹ Đỗ Thanh Hiên, tác giả SGK Âm nhạc 6, bộ sách Cánh Diều cho hay: "Rất nhiều nội dung mới, phương pháp mới giáo viên chưa được tiếp xúc nếu chúng tôi được tập huấn trực tiếp, giáo viên được trải nghiệm trực tiếp các hoạt động sẽ hiểu hơn sách mới, chương trình mới hơn".

Chính vì thế, tại các địa phương không phải thực hiện giãn cách xã hội, nhiều trường học đã chủ động triển khai các tiết dạy thử nghiệm sách giáo khoa mới nhằm điều chỉnh phương pháp dạy học theo hướng phát huy tính tích cực,chủ động của học sinh.

Sau bồi dưỡng, theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các giáo viên dạy chương trình mới đều phải trải qua bài kiểm tra đánh giá. Hiện các nhà trường đều ưu tiên lựa chọn, bố trí đội ngũ giáo viên đủ về số lượng, bảo đảm về chất lượng tham gia giảng dạy lớp 2 và lớp 6 trong năm học 2021 - 2022.

Khai giảng năm học mới linh hoạt theo hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến tùy tình hình COVID-19 tại địa phương Khai giảng năm học mới linh hoạt theo hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến tùy tình hình COVID-19 tại địa phương

VTV.vn - Bộ trưởng Bộ GD&ĐT vừa có công điện gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, TP về việc tổ chức khai giảng và chuẩn bị cho năm học mới trong tình hình dịch bệnh phức tạp.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước