Ảnh minh họa.
Để triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023 và các năm tiếp theo, ngành GD&ĐT Hà Nội đề ra một số giải pháp. Cụ thể: Thực hiện công tác bố trí, sử dụng, luân chuyển cán bộ đúng chuyên môn, sở trường; nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo để nâng cao năng lực, hiệu quả công tác tham mưu, giải quyết công việc, công tác dạy và học.
Triển khai thực hiện các nội dung, nhiệm vụ lĩnh vực GD&ĐT cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XVII thành phố Hà Nội cùng các chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, Thành ủy, HĐND, UBND TP và thích ứng với thời kỳ bình thường mới trong công tác phòng, chống dịch COVID-19; nghiên cứu, tham mưu Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố ban hành các cơ chế, chính sách trong lĩnh vực GD&ĐT phù hợp tình hình thực tiễn…
Cùng đó thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục mũi nhọn, giáo dục đại trà; phối hợp với các Sở, ngành, quận, huyện, thị xã triển khai thực hiện, đảm bảo các dự án đầu tư trong lĩnh vực GD&ĐT được thực hiện đúng tiến độ, kế hoạch, chất lượng và hoàn thành kế hoạch xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia năm 2022 (công nhận mới 70 trường chuẩn quốc gia).
Sắp xếp lại hệ thống các trường học, phát triển hệ thống trường chất lượng cao ở địa bàn phù hợp; triển khai thực hiện lộ trình tự chủ đơn vị sự nghiệp công lập; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy chuyển đổi số, tạo đột phá trong quản trị nhà trường…
Ngành GD&ĐT Hà Nội cũng kiến nghị với Chính phủ về việc xem xét, cho phép quy định số lượng cấp phó theo quy mô và loại hình của cơ sở giáo dục, ban hành quy định về việc ký hợp đồng lao động trong khi chờ tuyển dụng đối với nhân viên làm công tác chuyên môn trong trường học (kế toán, y tế, thư viện, thiết bị, văn thư, tư vấn tâm lý học đường).
Sở GD&ĐT Hà Nội cũng kiến nghị Bộ GD&ĐT nghiên cứu, tạo điều kiện cho Hà Nội được áp dụng cơ chế đặc thù về việc xây trường chuẩn quốc gia như: Cho phép tính diện tích sàn sử dụng/ học sinh thay thế cho diện tích đất/ học sinh. Cho phép nâng cao tầng các khối xây dựng và được phép xây dựng và sử dụng các tầng hầm dựa trên nguyên tắc đảm bảo an toàn cho trẻ, bố trí học sinh học ở các tầng thấp, cán bộ giáo viên làm việc tại tầng cao.
Ông Trần Thế Cương- Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết: Một trong số những kết quả nổi bật của ngành GD&ĐT Thủ đô trong năm học 2021-2022 là việc đã hoàn thành công tác rà soát toàn bộ mạng lưới trường học đến năm 2030, định hướng đến năm 2045.
Công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia và trường chất lượng cao được tập trung thực hiện. Tính đến tháng 6/2022, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia toàn Thành phố là 64,3%, trong đó trường công lập là 79%. Thành phố cũng đã triển khai công tác chuẩn bị đầu tư xây dựng 7 trường liên cấp tiên tiến, hiện đại có diện tích 5 ha trở lên trên địa bàn Thành phố.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!