Trẻ mắc bệnh tay chân miệng có những dấu hiệu nặng (nổi bóng nước lòng bàn tay, bàn chân, lở miệng,..) cần nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế để được thăm khám sớm nhất. Ảnh: Phan Sáu - TTXVN
Xét ở tất cả các đối tượng, trong tuần đầu tiên của tháng 10 số ca mắc tăng gấp đôi so với cuối tháng 9, thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội.
Riêng số ca mắc tay chân miệng trong tuần đầu tiên của tháng 10/2023 tăng gấp đôi so với cuối tháng 9 và tăng hơn 3,5 lần so với cuối tháng 8.
Riêng 2 tuần cuối tháng 9/2023, số ca mắc tay chân miệng trên địa bàn tăng lên khoảng 140 ca/tuần, nâng tổng số ca mắc tay chân miệng ghi nhận từ đầu năm đến nay lên 2.063 ca mắc (tăng gần 1,4 lần so với cùng kỳ năm 2022), chưa ghi nhận ca tử vong.
Các quận, huyện ghi nhận nhiều ca mắc như Sóc Sơn, Cầu Giấy, Hoài Đức, Hà Đông… dự báo số ca mắc có thể tiếp tục gia tăng do đang trong giai đoạn chuyển mùa.
Hiện, chưa có vaccine phòng bệnh tay chân miệng và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Do đó, CDC Hà Nội khuyến cáo tăng cường vệ sinh lớp học, đồ chơi, khăn mặt của học sinh... đồng thời hướng dẫn giáo viên các biện pháp phòng, chống bệnh tay chân miệng. Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh, cha mẹ cần đưa trẻ đi khám để kịp thời xử lý.
* Tay chân miệng là bệnh lý thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi. Bệnh đặc trưng bởi tình trạng sốt, đau họng, nổi bọng nước tập trung ở tay, chân, miệng. Bệnh gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm có thể tử vong nếu không can thiệp kịp thời.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!