Kể từ năm nay, chương trình giáo dục phổ thông mới chính thức được triển khai ở lớp 1. Chương trình có nhiều điểm mới về nội dung, cách tổ chức dạy học, mục tiêu và phương pháp giáo dục. So với chương trình hiện hành, chương trình mới có ít môn học hơn.
Năm nay cũng là năm đầu tiên, hoạt động trải nghiệm và nội dung giáo dục địa phương được đưa vào chương trình chính khóa. Kế hoạch dạy học của các địa phương vì thế sẽ có những mảng màu độc đáo, đa dạng hơn trước đây.
Tại trường Tiểu học Lao Chải, xã Lao Chải, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai, song song với hoạt động trải nghiệm, trường tích hợp cả nội dung giáo dục địa phương vào kế hoạch giáo dục nhà trường, khiến các hoạt động học tập trở nên phong phú và thấm đượm bản sắc văn hóa vùng miền.
Các em học sinh học làm bánh dân gian
Cứ 1 tuần 1 lần, các phụ huynh có kinh nghiệm lại đến trường dạy học sinh dệt đồ thổ cẩm, thêu thùa may vá. Nhờ thế, các em học sinh này biết may vá thêu thùa ngay từ khi mới học tiểu học.
Tương tự như vậy, ở trường Tiểu học Võ Trường Toản, TP Cần Thơ, phụ huynh là nghệ nhân làm bánh dân gian trở thành người hướng dẫn học sinh trong giờ học làm bánh dân gian.
Để tổ chức được các hoạt động trải nghiệm và nội dung giáo dục địa phương một cách hiệu quả, thực chất, các nhà trường cần thay đổi cách thức xây dựng kế hoạch giáo dục theo hướng linh hoạt hơn. TP Cần Thơ từ 3 năm nay đã triển khai mô hình trường học điển hình đổi mới. Thay vì xây dựng thời khóa biểu chính khóa toàn các môn học văn hóa bắt buộc như Toán, Tiếng Việt, Tự nhiên xã hội, sẽ có sự đan xen của các tiết học tự chọn cho học sinh nhờ đó, thúc đẩy dạy học sáng tạo, hiệu quả, trên tinh thần lấy học sinh làm trung tâm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!