Thay đổi chương trình giáo dục: Có gì mới?

Ban Thời sự-Chủ nhật, ngày 06/09/2020 11:18 GMT+7

VTV.vn - Với chương trình giáo dục phổ thông mới, ngoài các môn văn hóa bắt buộc, học sinh sẽ được tham gia nhiều tiết học tự chọn với nội dung học tập đa dạng hơn.

Năm học 2020-2021 là năm đầu tiên triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở lớp 1. Trong 5 năm qua, nhiều công việc đã được chuẩn bị kĩ lưỡng, từ xây dựng chương trình, biên soạn, thẩm định sách giáo khoa đến chuẩn bị đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất, thiết bị dạy học.

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở lớp 1 thực hiện dạy học 2 buổi/ngày, mỗi ngày không quá 7 tiết học, mỗi tiết 35 phút. So với chương trình hiện hành, chương trình mới có ít môn học hơn. Lớp 1 có 7 môn học và 1 hoạt động giáo dục bắt buộc.

Các môn học bắt buộc gồm: Tiếng Việt, Toán, Đạo đức, Tự nhiên và Xã hội, Giáo dục thể chất, Nghệ thuật (Âm nhạc, Mĩ thuật), Hoạt động trải nghiệm. Các môn học tự chọn gồm: Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 1.

Lần đầu tiên, hoạt động trải nghiệm trở thành nội dung giáo dục bắt buộc trong nhà trường. Năm học này cũng là lần đầu tiên, nội dung giáo dục địa phương được đưa vào trong kế hoạch giáo dục bắt buộc, nội dung do các địa phương biên soạn trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Từ vài năm nay, thay vì thời khóa biểu chính khóa toàn các môn học văn hóa bắt buộc như Toán, Tiếng Việt, Tự nhiên xã hội..., nhiều nhà trường đã có sự đan xen của các tiết học tự chọn cho học sinh. Học sinh sẽ được tham gia nhiều nội dung học tập đa dạng hơn. Học sinh không chỉ ngồi cố định trong một lớp học mà được di chuyển từ lớp học này sang lớp học khác để học các nội dung khác nhau.

Dạy học theo hướng phát triển năng lực và sở trường của học sinh

Tại TP.Cần Thơ, từ 3 năm nay, thành phố đã triển khai mô hình trường học điển hình đổi mới, từ đổi mới phương pháp đến xây dựng kế hoạch dạy học chính khóa theo nhu cầu người học.

Trường Tiểu học Bình Thủy (TP.Cần Thơ) là một trong những trường tiểu học theo mô hình điển hình đổi mới. Trường tổ chức nhiều lớp tự chọn khác nhau như lớp học nấu ăn, lớp học đàn, lớp học Robotic...

Thay đổi chương trình giáo dục: Có gì mới? - Ảnh 1.

Lớp dạy nấu ăn tại trường Tiểu học Bình Thủy.

Tại lớp dạy nấu ăn có khoảng 15 học sinh. Lớp học này diễn ra vào buổi chiều, nằm trong thời khóa biểu chính khóa của trường. Học sinh đăng ký tham gia tự nguyện. Còn tại lớp học đàn, dù lớp học đông nhưng mỗi học sinh lại tập một bản nhạc riêng và được giáo viên dạy theo trình độ của từng người.

Thay đổi chương trình giáo dục: Có gì mới? - Ảnh 2.

Tại lớp học đàn, giáo viên dạy theo trình độ của từng học sinh.

Trường tiểu học Bình Thủy tổ chức dạy học 35 tiết/tuần. Mỗi học sinh được đăng ký tối đa 3 môn tự chọn trong một học kỳ. Mỗi môn tự chọn được học trong 2 tiết liền nhau, từ 15h10 đến 16h30. Những học sinh không tham gia môn tự chọn thì ở lớp ôn tập các môn văn hóa. Chính vì vậy, việc tổ chức kế hoạch giáo dục trong nhà trường vừa nề nếp vừa đa dạng và linh hoạt, phát huy được khả năng đa dạng của giáo viên và năng lực, sở trường của học sinh, tạo hứng thú trong hoạt động học tập.

Đưa nội dung giáo dục địa phương vào trường học

Thay đổi chương trình giáo dục: Có gì mới? - Ảnh 3.

Học sinh này biết may vá thêu thùa ngay từ khi mới học tiểu học.

Tại trường tiểu học Lao Chải, xã Lao Chải, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai, song song với hoạt động trải nghiệm, trường tích hợp cả nội dung giáo dục địa phương vào kế hoạch giáo dục nhà trường khiến các hoạt động học tập trở nên phong phú và thấm đượm bản sắc văn hóa vùng miền. Cứ 1 tuần 1 lần, các phụ huynh có kinh nghiệm lại đến trường dạy học sinh dệt đồ thổ cẩm, thêu thùa may vá. Nhờ thế, các em học sinh này biết may vá thêu thùa ngay từ khi mới học tiểu học.

Thay đổi chương trình giáo dục: Có gì mới? - Ảnh 4.

Một tiết học làm bánh dân gian của học sinh trường Võ Trường Toản.

Tương tự, ở trường Tiểu học Võ Trường Toản, thành phố Cần Thơ, phụ huynh là nghệ nhân làm bánh dân gian trở thành người hướng dẫn học sinh trong giờ học làm bánh dân gian. Hay như tiết Toán với chủ đề tiền Việt Nam, học sinh được phát các tờ giấy in hình tượng trưng cho nhiều mệnh giá tiền khác nhau để tính toán mua sắm đồ dùng. Nhờ đó, các em học cách tính nhẩm, cách lựa đồ để mua sắm cho phù hợp với túi tiền mình có...

Như vậy, không cần tốn kém chi phí, tùy vào điều kiện của mỗi nhà trường, các giáo viên có thể sáng tạo những cách làm khác nhau miễn sao học thực sự đi đôi với hành; học sinh có thêm những kỹ năng mới có thể áp dụng ngay vào cuộc sống hàng ngày của các em.

Chuẩn bị triển khai chương trình giáo dục phổ thông lớp 1 mới Chuẩn bị triển khai chương trình giáo dục phổ thông lớp 1 mới

VTV.vn - Các địa phương đang tích cực chuẩn bị các điều kiện bảo đảm cho việc thực hiện chương trình và sách giáo khoa mới đối với lớp 1.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước