Học phí cao: Rào cản hay động lực?

Bích Thủy - Khánh Nguyễn-Thứ năm, ngày 29/07/2021 21:29 GMT+7

VTV.vn - Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV đã khép lại nhưng ý kiến của ĐBQH Lê Quân về vấn đề học phí đại học ngay giữa mùa tuyển sinh vẫn đang nhận được sự quan tâm của dư luận.

Phát biểu trước Quốc hội sáng 25/7/2021, ông Lê Quân - Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, chính sách học phí đại học hiện nay có nhiều bất cập, dẫn đến hệ lụy là chất lượng đào tạo giảm sút. Cần điều chỉnh chính sách học phí đảm bảo tính đúng, tính đủ, đi liền với hoàn thiện chính sách hỗ trợ sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, học tốt.

GS Lê Quân nhấn mạnh: "Hiện nay, chính sách học phí thấp, nhưng lại chưa tạo điều kiện cho sinh viên nghèo tiếp cận các chương trình đại học chất lượng". Đồng thời, đại biểu này mong muốn cải cách từ chính sách học phí thấp sang chính sách 3 cao: đầu tư cao, học phí cao, mức hỗ trợ đối tượng chính sách cao trên cơ sở kết hợp hài hòa giữa ngân sách và xã hội hoá. Vấn đề đặt ra là: Tăng học phí liệu có phải là rào cản cho con nhà nghèo vào đại học hay là động lực thúc đẩy giáo dục đại học?

Học phí cao: Rào cản hay động lực? - Ảnh 1.

Đại biểu Lê Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội phát biểu tại Quốc hội. Ảnh: Quochoi.vn.

Trên thực tế, trong khoảng hơn 1 năm trở lại đây, dù chưa có kiến nghị của GS Lê Quân, thì câu chuyện tăng học phí và mối lo giảm quyền lợi người học đã được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.

Tăng học phí ở mức "sửng sốt", trường vẫn tuyển sinh vượt chỉ tiêu

Một năm trước, sau khi bất ngờ tăng học phí, trường Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh đã từng vấp phải phản ứng mạnh mẽ từ sinh viên, xã hội. Sau một thời gian giải trình về mức học phí đã tăng, nhà trường cho biết đang thực hiện cam kết chất lượng đào tạo "tốt nhất của khối ngành sức khỏe".

Ông Trần Diệp Tuấn - Chủ tịch Hội đồng trường ĐH Y Dược TP Hồ Chí Minh cho biết: "Đối với ngành Y, chất lượng vẫn là ưu tiên hàng đầu. Trường cam kết chất lượng đào tạo của trường là tốt nhất trong khối ngành sức khỏe do có sự đầu tư mạnh mẽ về cơ sở vật chất và đội ngũ giảng viên hùng hậu. Chẳng hạn như về đầu tư trang thiết bị, trường đã xây dựng phòng học thông minh phù hợp cho việc dạy và học theo nhóm nhỏ. Mỗi sinh viên Răng - Hàm - Mặt được thực hành riêng trên các mô hình và trên một ghế nha khoa".

Học phí cao: Rào cản hay động lực? - Ảnh 2.

Sinh viên Y Dược trong tiết học thực hành. Ảnh chụp trước năm 2020.

Đáng chú ý, sau khi công bố dự kiến mức học phí mới, trường ĐH Y dược TP Hồ Chí Minh cũng đã công bố chính sách học bổng với tổng số tiền lên đến 15,4 tỉ đồng với 4 loại học bổng dành cho tân sinh viên khóa 2020. Đồng thời, trường cũng cấp học bổng đối với sinh viên từ năm 2 đến năm cuối với 2 loại học bổng: "Học bổng khuyến học" và "Học bổng vượt khó".

Đối với sinh viên trúng tuyển năm 2020, nhà trường sẽ dành 800 suất học bổng (15% tiền thu học phí) cho sinh viên trúng tuyển năm 2020, giá trị mỗi suất học bổng từ 25% đến 100% học phí năm học.

Dù mức tăng học phí khiến dư luận "sửng sốt" nhưng mùa tuyển sinh 2020 - 2021, Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh vẫn tuyển được hơn 104% so với chỉ tiêu. Theo ông Tuấn, đây là minh chứng cho thấy xã hội chấp nhận nộp học phí cao để nhận về chất lượng đào tạo tốt. "So với các trường tư thục trong nước, mức học phí của trường vẫn thấp hơn. Còn so với các trường đại học thế giới, mức thu học phí của trường lại càng không cao. Chẳng hạn ở Đông Nam Á, học phí đào tạo Y khoa các trường công lập từ 8.800 - 35.000 USD, tư thục là 50.000 - 60.000 USD", ông Tuấn nói.

Bỏ bao cấp, nhiều trường tăng học phí để nâng chất lượng

Trường Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh không còn là trường hợp cá biệt. Đầu năm nay, khi công bố đề án tuyển sinh cho năm học 2021 - 2022, nhiều trường đại học công lập trên cả nước đã gây bất ngờ cho phụ huynh và thí sinh khi đồng loạt tăng học phí. Học phí khối ngành sức khỏe tăng mạnh nhất trong 2 năm nay, tập trung ở một số trường khu vực phía Nam như Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh, Y khoa Phạm Ngọc Thạch, khoa Y Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh… Còn tại phía Bắc, một số trường có sự điều chỉnh tăng nhẹ, khoảng 3 - 5 triệu đồng/năm.

Năm học 2021 - 2022 tới đây, nhiều trường đại học bắt đầu áp dụng cơ chế tự chủ sẽ có mức thu học phí tăng vọt so với năm học trước. Tương tự, gần như các trường còn lại cũng đều tiếp tục tăng học phí theo lộ trình. Theo đại diện các trường, từ nhiều năm nay, chi phí đào tạo cho một sinh viên cao hơn nhiều so với học phí thu, do được bù bởi nguồn ngân sách.

PGS.TS Nguyễn Xuân Thạch - Trưởng Ban Quản lý Đào tạo, Học viện Tài chính - cho biết: "Trước đây, chúng ta xây dựng trên nền hoàn toàn bao cấp. Do vậy, mức chi phí xác định học phí khá thấp, không bù đắp trang trải nổi chi phí thường xuyên. Chính vì thế, lộ trình tăng học phí đảm bảo phần chi các trường, thông qua đó cũng để tăng chất lượng đào tạo".

Học phí cao: Rào cản hay động lực? - Ảnh 3.

Ông Trần Diệp Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Y Dược TP Hồ Chí Minh cho hay, dù tăng học phí nhưng mùa tuyển sinh 2020 - 2021, trường vẫn tuyển được hơn 104% so với chỉ tiêu. Ảnh chụp trước năm 2020.

Đồng quan điểm, ông Trần Diệp Tuấn, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh cho rằng, việc xây dựng học phí cần phụ thuộc vào 4 yếu tố là chi phí, nhu cầu của người học và xã hội, lạm phát, sự thay đổi theo chính sách của Chính phủ.

Dựa trên câu chuyện của chính trường mình, ông Tuấn lấy dẫn chứng, chi phí đào tạo cao nhất tại trường ĐH Y Dược TP Hồ Chí Minh là ngành Y khoa với một sinh viên mỗi năm là 71,8 triệu đồng, chưa tính phần bao cấp. Trường thu học phí 68 triệu/năm, tức khoảng 6,8 triệu/tháng. Như vậy, trường cũng phải bù lỗ rất nhiều và nhà trường phải chịu gánh nặng rất lớn.

Thực tế cho thấy, các trường tự chủ được thu mức học phí cao đã đầu tư cơ sở vật chất tốt hơn trước, chất lượng dịch vụ của trường cũng cải thiện. Đặc biệt, với chương trình chất lượng cao có mức thu học phí cao hơn, sinh viên đã được hưởng lợi khác biệt về điều kiện học tập: sĩ số lớp ít, phòng học có máy lạnh, giảng viên giỏi... Vì vậy, ngày càng có thêm nhiều sinh viên lựa chọn học chương trình chất lượng cao để được hưởng chất lượng dịch vụ tốt hơn.

GS.TS Nguyễn Đình Đức - Trưởng Ban Đào tạo, trường Đại học Quốc gia Hà Nội - nhận định: "Nếu như không đổi mới thì sẽ trở thành cản trở sự phát triển của nhà trường. Bởi vì nhà trường sẽ thiếu nguồn lực để đào tạo có chất lượng. Tuy nhiên, thu bao nhiêu để không lạm dụng thì Bộ GD&ĐT đã có quy định, hướng dẫn. Phải có sự giám sát của cơ quan quản lý nhà nước!".

Tăng học phí mà không giảm cơ hội: Bài toán khó hay dễ?

Chỉ chiếm 0,23% GDP, mức đầu tư cho giáo dục đại học của Việt Nam đang được đánh giá là quá thấp. Hiện, tài chính của các trường đại học chủ yếu phụ thuộc vào nguồn thu học phí. Làm thế nào để tăng học phí gắn liền với quyền lợi của người học không chỉ là mối quan tâm của phụ huynh, sinh viên mà còn là vấn đề tâm huyết của các nhà quản lý, nhà khoa học.

Tại diễn đàn "Tự chủ đại học - Từ chính sách đến thực tiễn" diễn ra vào cuối năm 2020, lãnh đạo nhiều trường đại học đã cùng trao đổi để tìm ra giải pháp. Ông Huỳnh Quyết Thắng - Hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa Hà Nội - cho biết, tự chủ đại học sẽ giúp nâng cao chất lượng đào tạo, nhưng điều đó đồng nghĩa với việc đầu tư cho đào tạo cũng phải tăng lên: "Chúng ta phải chấp nhận điều đó. Song để cân đối việc nâng học phí thì cũng cần có những chính sách học bổng để hỗ trợ lại cho sinh viên nghèo, học giỏi, tạo ra sự công bằng trong giáo dục".

Học phí cao: Rào cản hay động lực? - Ảnh 4.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, dù đại học tự chủ nhưng chỉ số tiếp cận học đại học của người nghèo người diện chính sách là không giảm. Ảnh chụp trước năm 2020.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, các số liệu đã chứng minh dù đại học tự chủ nhưng chỉ số tiếp cận học đại học của người nghèo người diện chính sách là không giảm. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng nhấn mạnh, cần phải làm mạnh hơn nữa, vì hiện còn chậm về cơ chế đặt hàng.

"Ví dụ, nhà nước khuyến khích và cấp tiền cho con em đồng bào dân tộc thiểu số đi học đại học, trước thì rót khoản tiền này về cho trường, nay có thể cấp qua học bổng. Hoặc nhà nước muốn phát triển một ngành nghề cụ thể nào đó thì đặt hàng cho các trường đào tạo", Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam gợi mở.

Theo GS.TS Nguyễn Hữu Đức - Tổ trưởng Tổ tư vấn của Ủy ban quốc gia đổi mới giáo dục và đào tạo, ngoài nâng cao mức hỗ trợ thì cần phải đa dạng nguồn hỗ trợ. "Giảm miễn học phí cho từng đối tượng khác nhau. Nhà nước triển khai tín dụng sinh viên cho vay, tuy nhiên mức cho vay thấp quá. Tương lai trao đổi ngân hàng mạnh dạn nâng mức cho vay lên, tin tưởng người vay có thể trả được", GS.TS Nguyễn Hữu Đức nêu ý kiến.

Đối chiếu lại những quy định hiện hành, về miễn giảm học phí, cấp học bổng cho các đối tượng, GS Lê Quân - Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng chính sách này đã khá "lạc hậu" so với thị trường và mức thu nhập chung của xã hội. Chính sách tín dụng vay học tập, việc cho phép các trường đại học trích lập học phí để thành lập các quỹ học bổng vẫn chưa có hành lang pháp lý rõ ràng. Nhà nước hiện vẫn đang tập trung xây dựng mức sàn học phí mới trong khi điều quan trọng là sửa chính sách miễn giảm học phí, học bổng, vay vốn học tập lại chưa được chú trọng đúng mức. Theo GS Lê Quân, hệ quả là học phí đại học đang tăng nhanh nhưng sinh viên nghèo học khá, học giỏi lại ít có cơ hội theo học các trường chất lượng.

Mỗi chuyên gia một đóng góp nhưng dễ nhận thấy điểm chung để giải bài toán tăng học phí mà không giảm cơ hội là phương án học phí cao phải gắn liền với hỗ trợ cao. Cách làm này vừa giúp tăng suất đầu tư trên đầu sinh viên vừa không làm ảnh hưởng đến cơ hội đi học của người nghèo. Cánh cửa đại học vì thế vẫn sẽ rộng mở đối với tất cả những người có thực lực, giàu ý chí.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước