Bất ngờ tăng học phí, Trường Đại học Y dược TP.HCM đã từng vấp phải phản ứng mạnh mẽ từ sinh viên, xã hội. Sau gần nửa năm, nội dung này vẫn làm nóng diễn đàn Hội thảo "Tự chủ đại học - từ chính sách đến thực tiễn". Giải trình về mức học phí đã tăng, nhà trường cho biết đang thực hiện cam kết chất lượng đào tạo "tốt nhất của khối ngành sức khỏe".
"Chẳng hạn về đầu tư trang thiết bị, trường xây dựng phòng học thông minh phù hợp cho dạy và học theo nhóm nhỏ, các phòng thí nghiệm đều có máy móc thiết bị phù hợp, mỗi sinh viên Răng Hàm Mặt được thực hành riêng trên các mô hình và trên một ghế nha khoa" - ông Trần Diệp Tuấn, Hiệu trường Đại học Y dược TP.HCM cho biết.
Tuy nhiên hiện nay, học phí dù cao hay thấp cũng đang không đủ để đảm bảo kinh phí đào tạo. Tăng học phí sẽ là việc làm cần thiết. Thế nhưng thực tế này cũng khiến nhiều chuyên gia phát sinh lo ngại có thể dẫn đến việc các trường bỏ qua trách nhiệm xã hội.
Quán triệt vấn đề này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nhấn mạnh: Tự chủ đại học nhưng không được làm giảm cơ hội tiếp cận của người nghèo, của người diện chính sách.
Dù mức tăng học phí khiến dư luận sửng sốt nhưng mùa tuyển sinh vừa qua, Đại học Y dược TP.HCM vẫn tuyển được hơn 104% so với chỉ tiêu. Đây là minh chứng cho thấy xã hội chấp nhận nộp học phí cao để nhận về chất lượng đào tạo tốt.
Tự chủ đại học trong đó có tự chủ tài chính đang thực sự là đòn bẩy của giáo dục đại học tạo ra những bứt phá trong đào tạo, nghiên cứu.
Những chỉ số biết nói trong 5 năm thí điểm tự chủ đại học cũng chính là căn cứ thuyết phục người học, xã hội sẵn sàng chung vai chia sẻ trách nhiệm tài chính để nâng cao chất lượng của giáo dục đại học Việt Nam.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!