Sau kì thi tốt nghiệp, xét tuyển Đại học - Cao đẳng với nhiều thay đổi về quy chế, một năm học mới lại bắt đầu, các em học sinh khối 12 năm nay tiếp tục guồng quay học tập và thi cử. Chỉ sau 9 tháng nữa, những sĩ tử tiếp theo sẽ bước vào cuộc thi để vào các trường Đại học, Cao đẳng. Mang theo nhiều kì vọng của bản thân và gia đình, các em học sinh lớp 12 năm nay cũng có nhiều trăn trở và lo lắng cho kì thi THPT sắp tới.
Em Nguyễn Minh Hạnh, lớp 12 trường THPT Chu Văn An, Hà Nội chia sẻ: “Vừa qua, em cũng đã theo dõi các anh chị thi và xét tuyển Đại học, em khá lo lắng bởi nhiều anh chị điểm số khá cao nhưng vẫn không vào được ngôi trường mình mong muốn. Không biết năm sau có tiếp tục tình trạng như thế không. Hiện tại, em chỉ xác định sẽ phải suy xét thật kĩ khi chọn trường và xác định điểm phải thật cao nếu muốn cạnh tranh trong trường top đầu. Tuy nhiên, điểm số cũng rất khó nói bởi chúng em còn phải phân chia tâm lực cho các môn thi tốt nghiệp nữa”.
Em Hoàng Linh Trung, học sinh lớp 12 trường THPT Lê Viết Thuật, Nghệ An cho biết có người chị tham gia kì thi THPT và xét tuyển Đại học - Cao đẳng vừa rồi. Trong khoảng thời gian xét tuyển đợt đầu, mẹ và chị gái phải thường xuyên bắt xe ra Hà Nội để rút - nộp hồ sơ, chi phí khá tốn kém, Trung cho hay: “Kì thi vừa rồi, chị gái em thi được 25 điểm nhưng vẫn phải đi rút hồ sơ khỏi trường Đại học Ngân hàng, sau đợt xét duyệt đầu tiên, cả gia đình vẫn còn rất mệt mỏi. Dù chị gái đậu Đại học nhưng chưa đúng nguyện vọng mình yêu thích thật sự nên vẫn hơi buồn. Sau năm học này, em cũng sẽ bước vào kì thi Đại học. Dù tự nhủ phải thật cố gắng để đạt được điểm cao nhưng em vẫn rất lo lắng, sợ sẽ giống như chị gái phải đi rút nộp hồ sơ nhiều lần nhưng cũng không được thỏa nguyện vọng ban đầu”.
Không quá nhiều lo lắng như Linh Trung, em Nguyễn Phương Uyên, học sinh lớp 12 trường THPT Hà Huy Tập, Nghệ An cho biết: “Em cảm thấy kì thi tốt nghiệp, đại học vừa qua, đề không quá tầm của mình. Em tin chắc nếu mình học tốt và nắm vững kiến thức thì điểm sẽ cao. Việc lựa chọn trường và ngành dựa vào số điểm đấy thì em khá tự tin và không quá lo lắng. Nếu năm sau quy chế giống năm nay, em sẽ chọn cho mình một trường tầm trung nhưng có ngành em thích và muốn theo học”.
Cô giáo Nguyễn Việt Hà, giáo viên trường THPT Lê Viết Thuật, TP Vinh cho biết: “Hiện tại tâm lý của các em học sinh lớp 12 khá bình tĩnh và ổn định, nhưng vẫn hi vọng có sự thay đổi tích cực hơn. Hai kì thi quốc gia được gộp làm một quả thật đã khiến việc thi cử nhẹ nhàng hơn nhưng vẫn còn nhiều bỡ ngỡ trong việc xét tuyển, các em học sinh năm vừa rồi có vất vả trong việc chọn trường nhưng cũng đạt được nguyện vọng. Hiện chúng tôi định hướng cho các em vào việc tập trung học, những người giỏi vẫn sẽ luôn có cơ hội và các em đang rất cố gắng để kịp thích nghi”.
Bà Nguyễn Minh Hoa - chuyên viên Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An nhận định: “Việc thi cử chỉ là hình thức, các em cứ học thật, học chắc thì sẽ không khó để đạt được điểm cao trong kì thì THPT. Bởi đề thi luôn chỉ đề cập đến những kiến thức các em đã học trên ghế nhà trường. Tuy nhiên, theo tôi các em chỉ nên lựa chọn 2 nguyện vọng để nộp đơn, một nguyện vọng chính và thêm một nguyện vọng phụ để đề phòng. Dù kì thi có thay đổi hay không thay đổi, các em cũng cần tập trung học tập và nắm vững kiến thức để thể hiện phong độ tốt nhất trong kì thi THPT”.
Dù chưa có quyết định chính thức nào về việc thay đổi quy chế của kì thi THPT và xét tuyển Đại học- Cao đẳng sắp tới, nhưng nhiều người vẫn hi vọng sẽ có những chuyển biến tích cực hơn để tăng hiệu quả cho kì thi quốc gia này. Còn về phần các em học sinh, ngoài việc học tập là cả một quá trình rèn luyện và bồi đắp thì việc tập thích nghi và làm quen với sự thay đổi là kĩ năng không thể thiếu cho kì thi lớn này.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.