Học sinh sẽ được mượn SGK từ năm học 2022 - 2023

Khánh Nguyễn-Thứ sáu, ngày 12/08/2022 14:08 GMT+7

VTV.vn - Bộ GD&ĐT sẽ trình Chính phủ phương án sử dụng ngân sách nhà nước mua sách giáo khoa phổ thông cho học sinh mượn để triển khai từ năm học năm học 2022 - 2023.

Linh hoạt theo khung kế hoạch năm học 2021 - 2022, kiên trì theo đuổi mục tiêu chất lượng

Báo cáo tại Hội nghị về kết quả thực hiện kế hoạch nhiệm vụ năm học 2021 - 2022 và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm học 2022 - 2023 của ngành Giáo dục, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, năm học 2021 - 2022, dịch COVID-19 bùng phát trở lại và diễn biến phức tạp gây ảnh hưởng nặng nề đến nhiều mặt của đời sống xã hội, trong đó có giáo dục và đào tạo. Ngành Giáo dục đã chủ động chuyển trạng thái hoạt động, tổ chức dạy học linh hoạt theo khung kế hoạch năm học, hướng dẫn tinh giản chương trình, chuẩn bị các điều kiện dạy học trực tuyến nhằm hạn chế những tác động tiêu cực của dịch bệnh, kiên trì theo đuổi mục tiêu chất lượng.

Ngành Giáo dục tiếp tục hoàn thiện thể chế, nhằm tháo gỡ những "nút thắt", tạo hành lang pháp lý cho đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo yêu cầu của Nghị quyết số 29-NQ/TW của Trung ương.

Các văn bản quy phạm pháp luật được xây dựng trên tinh thần kiến tạo môi trường pháp lý để tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, từng bước tháo gỡ các nút thắt, những vướng mắc từ thực tiễn đặt ra, tạo hành lang pháp lý quan trọng trong quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo, được nhân dân ủng hộ, đồng tình.

Đồng thời, Bộ GD&ĐT đã tham mưu trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành các nghị định, đề án, kế hoạch về phát triển giáo dục và đào tạo, trong đó đã phân công trách nhiệm của các bộ, ngành có liên quan và các địa phương trong triển khai thực hiện. Qua đó, đã tăng cường vai trò, trách nhiệm của các bộ, ban, ngành, các cấp chính quyền địa phương trong sự nghiệp phát triển giáo dục và đào tạo.

Học sinh sẽ được mượn SGK từ năm học 2022 - 2023 - Ảnh 1.

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nêu ra những kết quả đạt được trong năm học 2021 - 2022 và một số vấn đề còn tồn tại.

Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông 2022 được tổ chức thành công đảm bảo nghiêm túc và an toàn. Kết quả phân tích phổ điểm cho thấy đề thi có sự phân hóa phù hợp bảo đảm khách quan để xét công nhận tốt nghiệp và cung cấp dữ liệu cho các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp sử dụng để tuyển sinh theo tinh thần tự chủ.

Chất lượng giáo dục phổ thông cả đại trà và mũi nhọn tiếp tục nâng lên, được quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Theo kết quả xếp hạng các quốc gia tốt nhất về giáo dục năm 2021 của USNEWS, Việt Nam xếp thứ 59, tăng 5 bậc so với năm 2020. Kết quả thi Olympic khu vực và quốc tế năm 2022, với 37/39 thí sinh đạt giải, trong đó có 1 thí sinh đạt điểm tuyệt đối.

Chất lượng giáo dục Đại học có những cải thiện rõ rệt, năm 2021, 5 cơ sở giáo dục Đại học lọt vào tốp đại học tốt nhất thế giới theo các bảng xếp hạng quốc tế có uy tín, vượt mục tiêu năm 2025 của Đề án nâng cao chất lượng giáo dục Đại học giai đoạn 2019 - 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Số lượng các sản phẩm công bố quốc tế của các cơ sở giáo dục Đại học gia tăng nhanh chóng. Văn hóa kiểm định gắn với chất lượng đào tạo đã bước đầu hình thành ở các cơ sở giáo dục từ mầm non đến đại học.

Toàn ngành đã tăng cường chuyển đổi số và đẩy mạnh cải cách hành chính; xây dựng hạ tầng học tập quốc gia; xây dựng kho học liệu số; tăng cường các điều kiện đảm bảo và kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học trực tuyến, trên truyền hình và kiểm tra, đánh giá trong bối cảnh dịch COVID-19.

Nhiều vấn đề còn tồn tại với ngành Giáo dục sau năm học 2021 - 2022

Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành Giáo dục và Đào tạo cũng thẳng thắn nhìn nhận những vấn đề còn tồn tại. Cụ thể, theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, các quy định, hướng dẫn của Bộ triển khai việc dạy và học trong bối cảnh dịch COVID-19 còn mang tính ứng phó tạm thời, chưa thực sự chủ động. Nhiều địa phương thiếu trang thiết bị học trực tuyến, đặc biệt là các tỉnh có vùng dân tộc, miền núi, vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn ảnh hưởng đến chất lượng dạy, học trực tuyến. Việc học trực tuyến đối với học sinh tiểu học, nhất là đối với lớp 1, lớp 2 gặp khó khăn hơn do các em còn nhỏ, chưa có điều kiện để làm quen với phương thức học tập này.

Học sinh sẽ được mượn SGK từ năm học 2022 - 2023 - Ảnh 2.

Toàn cảnh Hội nghị.

Thời gian dạy học trực tuyến kéo dài trong bối cảnh các điều kiện thực hiện còn nhiều hạn chế đã ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục, ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý của học sinh. Sau khi trở lại trường học, trình độ, kiến thức của các em cũng có sự khác nhau.

Việc tổ chức quản lý, hoạt động của các cơ sở giáo dục mầm non gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là các cơ sở áo dục mầm non ngoài công lập chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19. Nhiều cơ sở có nguy cơ phải đóng cửa vì không duy trì được hợp đồng giáo viên, không có kinh phí chi trả cho giáo viên.

Tỷ lệ trường tiểu học tổ chức bán trú còn thấp nên cha mẹ học sinh gặp khó khăn khi đưa con đến trường học 2 buổi/ngày. Các trường tiểu học ở các huyện miền núi có nhiều điểm trường lẻ và lớp ghép với khoảng cách xa nên việc quản lý,tổ chức các hoạt động giáo dục có nhiều bất cập. Một số địa phương, khu đô thị và các thành phố lớn do áp lực tăng dân số cơ học quá nhanh dẫn đến sĩ số học sinh/lớp cao như: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Bình Dương, Đồng Nai...

Tỉ lệ giáo viên/lớp bình quân chưa đáp ứng được yêu cầu theo quy định thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Thiếu giáo viên môn Tiếng Anh, Tin học đối với tiểu học; môn Âm nhạc, Mỹ thuật đối với Trung học phổ thông khi áp dụng Chương trình mới từ năm học 2022 - 2023. Một số địa phương còn bị động về nguồn tuyển dụng; chưa có nhà công vụ cho giáo viên ở các địa bàn khó khăn; không có chính sách thu hút giáo viên đến công tác ở những địa bàn khó khăn hơn; còn nhiều bất cập trong việc bố trí giáo viên Tiếng Anh, Tin học và Công nghệ dạy liên trường, liên cấp. Nhân lực y tế trường học còn thiếu và yếu ở nhiều địa phương dẫn đến phải huy động hầu hết cán bộ, giáo viên kiêm nhiệm công tác phòng, chống dịch. Kinh phí cho việc mua sắm thiết bị phòng, chống dịch trong các cơ sở giáo dục còn hạn chế.

Sách giáo khoa lớp 1, lớp 2 và lớp 6 biên soạn theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 còn có ý kiến phản ánh về một số vấn đề như kênh hình, kênh chữ còn chưa phù hợp với một số vùng miền, một số từ ngữ mang tính địa phương - phương ngữ. Một số đoạn văn, bài thơ đưa vào sách giáo khoa chưa hay; một số thông tin trong một số môn học chưa cụ thể và gần gũi với học sinh.

Việc thực hiện tự chủ đại học theo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học và Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học còn chưa đồng bộ dẫn đến việc triển khai ở một số cơ sở đào tạo còn chậm, lúng túng, đặc biệt là vấn đề thành lập hội đồng trường, quan hệ giữa hội đồng trường với đảng ủy và ban giám hiệu, dẫn đến tình trạng khiếu kiện kéo dài chưa được giải quyết tại một số đơn vị.

Công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên còn chưa chủ động, kịp thời, đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp phải chuyển sang dạy học trực tuyến. Công tác hỗ trợ, tư vấn tâm lý, kỹ năng phòng, chống bạo lực, bắt nạt, xâm hại trẻ em, học sinh, sinh viên khi học tập trực tuyến và sử dụng môi trường mạng còn chưa thực sự hiệu quả.

Mong ý kiến đóng góp giải pháp cho ngành Giáo dục

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhận định: Năm học 2021 - 2022 là năm học mà ngành Giáo dục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động giáo dục.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đánh giá kết quả đạt nước trong năm học vừa qua, đặc biệt đã nhìn nhận nghiêm túc những tồn tại một số tồn tại, hạn chế, rút ra bài học kinh nghiệm và có giải pháp để khắc phục trong năm học tới. Tại Hội nghị này, Bộ trưởng mong muốn được nghe ý kiến phát biểu, thảo luận để đánh giá về những kết quả đã đạt được, nhìn nhận những tồn tại, hạn chế, để tiếp tục khắc phục. Đặc biệt là đóng góp ý kiến, giải pháp để ngành Giáo dục làm tốt hơn nhiệm vụ quan trọng được Đảng và Chính phủ giao cho, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Học sinh sẽ được mượn SGK từ năm học 2022 - 2023 - Ảnh 3.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ xem xét thấu đáo các ý kiến trao đổi hôm nay để chỉ đạo công việc sát thực tế và hiệu quả hơn.

"Năm hoc 2021 - 2022 là năm học đầy thử thách, là năm học ngành Giáo dục có thể nói là đứng trước nguy cơ khủng hoảng, có nguy cơ không hoàn thành được kế hoạch nhiệm vụ của năm học, là một năm chất lượng giáo dục bị đe dọa nghiêm trọng, trường học bị đóng cửa, toàn ngành chuyển sang dạy và học trực tuyến trên diện rộng cả nước trong điều kiện thiếu thốn nhiều bề. Nhưng với nỗ lực vượt bậc, với định hướng kiên trì mục tiêu chất lượng toàn ngành đã làm được việc lớn là vượt qua được thử thách lớn đó, ứng phó được với dịch bệnh và hoàn thành cơ bản các yêu cầu của năm học và tiếp tục thực hiện được các mục tiêu đổi mới theo kế hoạch", Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh.

Về năm học 2022 - 2023, Tư lệnh ngành Giáo dục cho hay, sẽ tiếp tục tập trung thực hiện nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2016 - 2021; tiếp tục triển khai thực Nghị quyết 29 của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo và các Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; với mục tiêu đẩy nhanh thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện và nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, trong đó trọng tâm là tổ chức triển khai hiệu quả Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới, phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước.

Để thực hiện thành công mục tiêu này, Bộ Giáo dục và Đào tạo xác định việc hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách là khâu đột phá, là việc ưu tiên trước hết, trong đó triển khai rà soát các quy định theo hướng đẩy mạnh phân cấp, tháo gỡ khó khăn vướng mắc chồng chéo, ban hành thêm cơ chế chính sách nhằm mở đường, tạo điều kiện cho tự chủ và đổi mới sáng tạo. Coi củng cố và phát triển đội ngũ giáo viên, đặc biệt giáo viên mầm non, phổ thông và lực lượng khoa học của các trường đại học yếu tố mang tính quyết định. Lấy việc hiện đại hóa hạ tầng giáo dục, chuyển đổi số, tăng cường tự chủ trong giáo dục, tăng cường dân chủ trong môi trường học đường, tăng cường yếu tố văn hóa trong môi trường học đường và thu hút các nguồn lực cho giáo dục là những giải pháp cần đẩy mạnh trong thời gian sắp tới.

Bộ trưởng Sơn đề nghị: "Có thể nói, trong 12 tháng của một năm triển khai kế hoạch nhiệm vụ mới sẽ là một năm nhiệm vụ và công việc của ngành hết sức nặng nề. Đặc biệt với giáo dục phổ thông, trong 12 tháng tới các cơ sở giáo dục sẽ phải triển khai nội dung chương trình và sách giáo khoa mới cho các lớp, lớp 3, lớp 7, lớp 10 và cũng trong 12 tháng tới tiến hành thẩm định, in ấn, xuất bản cho các lớp 4, 8, 11 và tổ chức triển khai biên soạn cho các lớp 5, 9, 12. Tất cả những nhiệm vụ lớn đó đều sẽ diễn ra trong 12 tháng tới. Rất mong các đồng chí lãnh đạo các Bộ, ngành, lãnh đạo địa phương phối hợp tốt cùng ngành đẩy nhanh tiến độ và chuẩn thời gian cho các việc như lựa chọn sách giáo khoa, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện đảm bảo chất lượng, sử dụng thật tốt các chỉ tiêu biên chế mà ngành vừa có để bổ sung nguồn giáo viên".

"Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ xem xét thấu đáo các ý kiến trao đổi hôm nay để chỉ đạo công việc sát thực tế và hiệu quả hơn. Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ cùng các cơ quan tham mưu và toàn thể giáo chức, học sinh, sinh viên sẽ ra sức phấn đấu, khắc phục khó khăn, sáng tạo không ngừng để hoàn thành thật tốt nhiệm vụ của mình, để có kết quả cho một năm học mới tốt nhất, xem là kết quả chào mừng 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam - một dịp đặc biệt của ngành Giáo dục", Bộ trưởng Sơn kết lại.

Bộ GD-ĐT sẽ trình Chính phủ phương án sử dụng ngân sách Nhà nước mua sách giáo khoa phổ thông cho học sinh mượn để triển khai từ năm học 2022 - 2023. Củng cố, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở. Xây dựng quy hoạch mạng lưới và đẩy mạnh thực hiện tự chủ đại học…
Năm học 2021 - 2022, ngành Giáo dục hoàn thành mục tiêu kép Năm học 2021 - 2022, ngành Giáo dục hoàn thành mục tiêu kép

VTV.vn - Sáng 12/8 đã diễn ra Hội nghị tổng kết năm học 2021-2022, triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023 theo hình thức trực tiếp và trực tuyến, với 64 điểm cầu trên cả nước.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước