Hội thảo chuyên sâu Nâng cao kỹ năng sống: Những gợi mở thú vị…

Văn Hương-Thứ năm, ngày 27/03/2014 07:19 GMT+7

Nằm trong chuỗi hoạt động của chương trình “Toả sáng nghị lực Việt", cuộc Hội thảo chuyên sâu “Nâng cao kỹ năng sống” với chủ đề “Mối quan hệ giữa cá nhân và xã hội trong việc thúc đẩy giới trẻ sống trung thực, trách nhiệm và nghị lực” vừa qua đã thu hút được sự quan tâm và hưởng ứng của các bạn trẻ Thủ đô cùng nhiều học giả nổi tiếng.

‘ Nhà giáo Nguyễn Tùng Lâm trò chuyện cùng các bạn trẻ

Nội dung chính Hội thảo tập trung phân tích hai yếu tố: Yếu tố “Bản thân giới trẻ” và yếu tố “Xã hội” tác động lên ý thức sống trung thực, trách nhiệm và nghị lực của giới trẻ hiện nay như thế nào. Mở đầu cuộc hội thảo, khi VTV cho phát đoạn băng nói về vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng ở phố Xã Đàn làm một em sinh viên Học viên Ngân hàng bị thương nặng, đe dọa đến tính mạng bởi sự vô tâm, thiếu trách nhiệm của tài xế lái xe nhiều bạn trẻ đã mạnh dạn đứng lên mổ xẻ vấn đề, nêu quan điểm của mình và cuối cùng, như bạn Lan Hương (ĐH Thương Mại) khẳng định: “Có thể nói đó là một hành động thiếu trách nhiệm gây hiệu quả nghiêm trọng, vậy nguyên nhân sâu xa của việc thiếu trách nhiệm của người lái xe đó là gì? Tại sao anh ta lại hành động như vậy? Và rộng ra, sự tự giác của giới trẻ thời nay đang bị cản trở bởi điều gì?”

Câu nói của Lan Hương cũng chính là sự mở đầu cho một cuộc “tranh luận” thú vị. Trả lời cho câu hỏi của Hương và các bạn học sinh, NGƯT.TS Nguyễn Tùng Lâm (Hiệu trưởng trường PTTH Đinh Tiên Hoàng – Hà Nội) đã đưa ra rất nhiều quan điểm mà theo ông, đang cản trở sự tự giác của giới trẻ trong xã hội hiện đại. Là một người làm công tác giáo dục, TS Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, ý thức tự giác của lớp trẻ được hình thành từ sự tiếp thu kết quả giáo dục của gia đình nhà trường kết hợp với bản tính và năng lực cá nhân riêng có của mỗi người. Nhưng vai trò của môi trường, của xã hội không phải không có tác dụng to lớn cả về mặt tích cực lẫn hạn chế.

Ông cho rằng, có một số lí do đang cản trở giới trẻ. Thứ nhất, công tác quản lí xã hội của Việt Nam tuy có nhiều tiến bộ nhưng vẫn còn nhiều bất cập, nhiều hạn chế, thiếu tính chuyên nghiệp nên các biểu hiện tiêu cực của xã hội luôn có mảnh đất bùng phát dễ làm cho “người ngay thẳng thường thua thiệt”. Thứ hai, giới trẻ chưa được xã hội thật sự tôn trọng, tin tưởng, khích lệ. Và cuối cùng là bệnh thành tích, vẫn đang tồn tại như một rào cản đến sự tự giác của giới trẻ.

Lấy ví dụ cho quan điểm của mình, TS Nguyễn Tùng Lâm kể luôn câu chuyện chính ông vừa trải qua. Đó là câu chuyện của một câu học sinh lớp 11 trường Đinh Tiên Hoàng có hoàn cảnh rất khó khăn. Bản thân mẹ cậu ta bán hàng nước vỉa hè, chắt bóp bao năm mua được chiếc xe máy thì cậu ta mang đi cầm cố để lấy tiền tiêu xài. Biết chuyện, bản thân ông là hiệu trưởng, gọi cậu ta lên phòng và chỉ hỏi: “theo em thì em sống được là nhờ ai?” cậu ta trả lời rất nhanh là nhờ mẹ. Nhưng khi ông hỏi ngược lại rằng: “vậy mẹ em sống được là nhờ ai” thì cậu ta im lặng. Rồi chính ông cũng là người đã trả lời giúp cho cậu học sinh cá biệt đó rằng “mẹ em sống được là nhờ em”. TS Lâm nói rằng, qua cách nói chuyện cởi mở ấy, ông đã giúp cậu học sinh nhận ra trách nhiệm của người con một cách thấm thía và công bằng nhất. Và từ một học sinh cá biệt, chỉ một năm sau em đã quyết tâm học và thi đỗ vào một trường đại học có tiếng ở Hà Nội.

Cũng chia sẻ về “tính trách nhiệm”, Hải Yến người phụ nữ hiện đang chăm sóc những lớp học cho trẻ tự kỷ cũng kể câu chuyện của mình. Chị cho rằng, để dạy các em, mình thực sự phải có tình thương, phải có trách nhiệm. Và bản thân chị, sau hơn 10 năm gắn bó với công việc này, thành quả cụ thể nhất là đã giúp được chính đứa con bị tự kỷ của mình sống có nề nếp, biết cách sinh hoạt và lao động, đó, nói một cách khác thì chị đã giúp con mình nhìn ra trách nhiệm của chính em đối với bản thân, với xã hội.

‘ Nhà báo Thu Thuỷ cho rằng truyền thông có vai trò lớn trong việc giáo dục thế hệ trẻ

Truyền thông đóng vai trò lớn trong việc giáo dục giới trẻ

Cuộc hội thảo chuyên sâu thực sự có thêm nhiều thông tin lí thú và thu hút được sự quan tâm của các bạn trẻ qua sự chia sẻ Tiến sĩ Giáp Văn Dương (giám đốc trang tự học trực tuyến Giapschool) về những kinh nghiệm từ các nước trong việc phát huy khả năng tự học kỹ năng sống của giới trẻ. Theo TS Giáp Văn Dương, tinh thần chủ đạo của “Tỏa sáng nghị lực Việt” là “sống trung thực – sống trách nhiệm – sống nghị lực” đều có một yếu tố chung tác động rất lớn đó là “Giáo dục”. Chính vì vậy mà đây cũng là chủ đề ông muốn trò chuyện với các bạn trẻ.

Ông chia “Giáo dục” thành một tâm điểm mà ở đó có ba quỹ đạo bao quanh là “chương trình”, “dạy” và “học”. Thời trước, “dạy” được coi là quan trọng nhất nhưng thời nay, theo ông, “học” mới là vấn đề then chốt. Và nói về phần “học”, bản thân ông đặt ra 3 câu hỏi chính: “Học để làm gì?” “Học cái gì” và “Học thế nào?”. Rất thẳng thắn trao đổi với các bạn trẻ, TS Dương cho rằng trong ba câu hỏi ấy của ông, đa phần các bạn trẻ đang bị đè nặng bởi: “học cái gì?” và đó cũng chính là sự bất cập trong giáo dục hiện nay. Nếu ai đã đặt được ra câu hỏi thứ hai: “học thế nào?” tuy có tiến bộ hơn câu hỏi đầu tiên nhưng then chốt vẫn là câu hỏi thứ 3: “học để làm gì?”. Ông cho rằng khi đã có đáp án cho câu hỏi thứ 3 thì câu hỏi thứ nhất và thứ hai rất đễ để có câu trả lời.

Minh chứng cho những quan điểm của mình, TS Dương đã làm ngay một cuộc “điều tra xã hội học” tại hội trường với câu hỏi: “Mọi người (kể cả các quan khách) có những ai từng đặt cho bản thân câu hỏi: “học để làm gì?””. Và theo thống kê của TS Dương thì chưa tới 30% số người trong hội trường từng đặt ra câu hỏi ấy cho bản thân và phần nhiều những con người ấy hiện đang ở vị trí… quản lí hoặc thành đạt. Học để biết, học để làm, để khẳng định bản thân và sống chung với người khác. Bởi suy cho cùng, con người tự do là đích đến của giáo dục và học, là hành trình tự thân khai sáng. TS Giáp Văn Dương kết luận.

Đến với cuộc hội thảo chuyên sâu lần này, nhà báo Bùi Thu Thủy (Phó Trưởng ban Thể thao giải trí và thông tin kinh tế - Đài THVN) cũng đóng góp nhiều câu chuyện sinh động khi chị bàn về vai trò của các phương tiện truyền thông trong việc cổ vũ giới trẻ sống nghị lực, trung thực và trách nhiệm. Nhà báo Bùi Thu Thủy cho rằng, muốn giới trẻ sống nghị lực, trung thực và trách nhiệm, các cơ quan truyền thông cần xây dựng những chương trình về đề tài này, và quan trọng không kém, thông tin cần đủ hấp dẫn để giới trẻ tìm đến với nhóm thông tin này và áp dụng hành vi tích cực trong cuộc sống của họ. Với chức năng của mình, truyền thông có vai trò và trách nhiệm cung cấp những thông tin về những người sống nghị lực, trung thực và trách nhiệm đến với giới trẻ. Những người trẻ mong muốn sống có nghị lực, trung thực và trách nhiệm cần được tiếp cận và cổ vũ khai thác những thông tin về mảng đề tài này.

“Trong những nghiên cứu nói về vai trò của truyền thông (trong đó có truyền hình) với việc tác động đến nhận thức và thay đổi hành vi của khán giả cũng chứng minh rằng những chương trình truyền hình với các thông điệp đúng đắn, tích cực cũng có những ảnh hưởng tích cực đến khán giả. Và ngược lại, những thông tin tiêu cực cũng có tác dụng làm con người nhận thức không đúng về một vấn đề nào đó.” Nhà báo Bùi Thu Thủy nói. Lấy ví dụ cho quan điểm của mình, nhà báo Thu Thủy nhắc đến những bộ phim đã chiếu cách đây vài chục năm như “Đơn giản tôi là Maria” hay gần đây là sự kiện Nick Vujicic đến Việt Nam đều có những tác động rất tốt đến người xem. Những chương trình, những bộ phim mà có thể nói là đã xuất hiện rất nhiều và thường xuyên trên các kênh sóng của VTV. “Nhưng cách đưa tin, cách đặt vấn đề cũng rất quan trọng. Nếu sáo rỗng, giáo điều, khán giả trẻ, hiện đại sẽ từ chối tiếp nhận. Hiệu quả sẽ còn rất ít.” Nhà báo Bùi Thu Thủy bộc bạch.

Cuộc hội thảo chuyên sâu “Nâng cao kỹ năng sống” kết thúc nhưng nói như lời một bạn sinh viên đến từ trường ĐH Ngoại Thương Hà Nội, chương trình đã gợi mở ra rất nhiều quan điểm mới để người trẻ suy ngẫm và nhận thức về mình. Được biết trước đó, Ban tổ chức chương trình “Tỏa sáng Nghị lực Việt” cũng đã tổ chức thành công 6 buổi lễ phát động tại Hà Nội, TP.HCM, Nha Trang, Đà Nẵng, Nghệ An, Cần Thơ. Cũng như tại cuộc hội thảo chuyên sâu lần này, các chương trình đã nhận được sự tham gia hưởng ứng nhiệt tình của hàng chục ngàn học sinh, sinh viên trong cả nước.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước